Trong phần trước, chúng tôi đã đề cập với
bạn, tật hay khoe khoang của người kiêu hãnh. Ở đây, chúng tôi muốn bạn biết một
thứ người bà con với kẻ ấy: là kẻ ham hư danh.
Hạng này, trong câu
chuyện, không om sòm khoe khoang tài đức của mình như kẻ kiêu ngạo. Nhưng tế
nhị, kín đáo, họ cho người ta biết những thành công thời dĩ vãng của mình hay
những thành công mà mình hi vọng sắp tới. Sự đắc lực của họ, có khi không ra gì,
mà họ cho là vĩ đại, đang truyền tụng cho nhiều người ngợi khen. Gặp bạn, họ nói
hồi nhỏ họ đánh đáo rất tài tình, họ sành nghề đi câu, nhiều khi sẩy cá lóc to
bằng đầu gối.
Bây giờ họ yếu vậy, chớ lúc trẻ họ mạnh lắm, trái
nặng 5,7 kilô, họ chọi như chọi phao. Gia đình họ mười mấy năm về trước có phải
nhếch nhác vậy đâu. Họ thuộc dòng vọng tộc, đất cò bay thẳng cánh, đời sống phủ
phê...Thấy chúng tôi học bài cả giờ không thuộc, họ nói bây giờ họ cao tuổi rồi,
trí nhớ lục đi. Chứ năm họ 17, 18 tuổi họ học đâu nhớ đó. Tuy coi họ vậy, chứ
hiện giờ nhiều người mến phục họ bởi họ đã có một thời hiển hách. Họ cũng cho
chúng ta biết, công việc làm ăn của họ nay mai sẽ có kết quả khả quan. Trên
thang xã hội, họ ngày một tiến, say sưa với cái tật "chưa làm vòng mà mong ăn
thịt" họ tả cho chúng tôi đủ thứ thành công mà họ mong tưởng khi họ mới bắt tay
vào việc như buôn bán, viết văn, lập nhà sản xuất bản...làm thầu khoán...
Thiệt ra họ không phải là những người hay kiêu căng tự cao tự đại
như kẻ hay khoe. Những điều mà họ cho chúng ta biết, họ nói một cách thành thật,
thành thật đến ngây thơ. Họ cũng không nói láo vì không muốn gạt ai. Bởi tật
trống mình thì nói vậy.
Nhưng thưa bạn! Trước mắt người nghe, họ
là những kẻ thiếu trí. Họ tưởng khi thuật lại, hay mô tả những cái hay của mình
là thiên hạ khen ngợi họ. Cũng có kẻ mình "thổi" họ thiệt, nhưng phần đông người
ta ngượng, cảm thấy khó chịu khi họ chỉ nói về cái "tôi" của mình. Họ cũng đáng
thương hại ở chỗ quá khờ dại, đi tìm tiếng khen nhất thời. Nó không làm họ mập
béo hay giàu có gì. Họ lại không để ý, danh vọng ai càng rượt theo, nó càng chạy
xa. Những cái tốt đã qua hay sẽ tới của họ, nếu họ không nói ra, có khi làm cho
kẻ khác âm thầm kính phục họ. Thứ kính phục này không rầm rộ, mà vững bền. Chớ
họ đem quảng cáo, dù quảng cáo khôn khéo, thường làm cớ cho ai nấy ganh ghét,
khi chê họ. Họ càng bị coi là rơm rác, khi người ta phát giác ra rằng, những
điều họ nói về mình không đúng sự thật. Sự thành công của họ không đủ che lấy
tiếng xấu cho họ. Cũng không thiếu chua xót và mỉa mai, khi họ còn trẻ ở địa vị
thấp hèn mà nói rằng, đã làm những việc không khác Nã Phá Luân. Họ vô tình làm
cho người nghe chú ý, quan sát con người hiện tại của họ. Nếu con người đó bất
đáng, ô uế, ngu dốt, thì thôi, danh giá của họ là đồ đổ sông Ngô.
Cái tật ham hư danh, chúng ta rất dễ mắc. Xin bạn luôn coi thường câu chuyện của
mình. Có khi đối với kẻ xa lạ, người thượng cấp, chúng ta ít hở môi về những
thành công hay những điều mình cho là hay đẹp. Song đối với bạn bè quá thân mật,
chúng ta hay vì chỗ tin cậy nhau mà khoe khoang. Khuyết điểm này, có lẽ không
đáng trách lắm. Song có thể làm cho ta mất uy tín lần lần. Nếu người khiêm tốn
nói ra, được kẻ khác chú trọng đến đâu, thì ta vì ham hư danh, khoe khoang mình,
nói ra bị thiên hạ coi rẻ đến đấy. Trong xã hội, khó bề bạn khỏi gặp những người
ham hư danh.
Bạn đừng gắt gỏng với họ. Chúng tôi biết, bạn đã nhiều
lần gặp những ông lão, thích cho bạn biết những thành công thời dĩ vãng của ông,
nhiều bà lão khoe con làm ông nọ bà kia, giàu sang, học giỏi. Thưa bạn! Họ không
kiêu căng lắm chỉ tại tật ham hư danh. Bạn nên chăm chỉ nghe cho họ vui, rồi bỏ
qua. Bạn xã giao, gây thiện cảm mà. Gặp con nít, hay nhiều thanh niên nam nữ có
tật ấy, bạn vẫn khoan dung với họ.
Vui cười tự nhiên nghe họ là
được họ coi như bạn thân. Không phải mình giả dối, nhưng thấy "đốn" họ, nói móc
lò họ, bảo rằng họ kiêu căng, sai lầm, nào bổ ích gì. Đức khôn ngoan và sự thông
minh, không cho sự thế như vậy. Lịch sự nghe họ, để họ vui, tìm chút an ủi trong
đời sống, có phải lợi hơn không. Gần phòng viết của chúng tôi, có một em bé bảy
tuổi.
Em thích cậu chúng tôi, không phải người thường hay cho kẹo,
mà người chịu khó nghe em thuật lại những trò chơi "đầy oai hùng hiển hách" của
em thôi. Chịu cực nghe con nít nói như cậu chúng tôi, có lẽ bạn không thích, vì
mất thì giờ, bạn nên xử dễ dàng, đắc nhân tâm với những người ham hư danh trong
một vài câu chuyện mà bạn bàn với họ.