Cái thị hiếu, thấy mình quan trọng, có thể
đẩy con người đến chỗ tự cao tự đại, vàa lúc nào cũng muốn tỏ ra siêu quần bạt
chúng. Thứ người mà chúng tôi bàn cùng bạn dưới đây, là thứ người nô lệ thị hiếu
này, nên trong câu chuyện hằng ngày, cũng như khi hội nghị, họ thích lên mặt làm
thầy, sửa dạy kẻ khác, để tỏ ra mình quan trọng tài đức hơn người. Nhưng lần thứ
nhất gặp chúng ta, họ ăn nói như bè bạn thâm giao. Họ có thái độ săn đón đắc
nhân tâm, hỏi thăm sức khỏe, về gia cảnh, về những thành công hay trù tính của
chúng ta. Theo phép xã giao, chúng ta cũng đáp lời trong chừng mực nào đó.
Họ chụp lời chúng ta, căn cứ vào những điều chúng ta nói, để giáo
huấn hay khuyên bảo. Chúng ta bảo rằng, số chúng ta bạt quá, nên làm ăn gặp
những thất bại. Họ gật đầu với thái độ am hiểu tình thế. Mắt họ sánh quắc lên.
Tay họ ra điệu.
Họ bảo chúng ta hãy bỏ cuộc kinh doanh ấy, chọn
nghề nghiệp khác. Bạn nói rằng, đang làm một luận án để lấy bằng tiến sĩ. Trong
túi họ, không có một cấp bằng tiểu học. Nhưng họ thuyết với bạn "A! Hay lắm!
Kinh nghiệm dạy cho chúng ta biết rằng, đời mình phải siêng học. "Có công mài
sắt có ngày nên kim" Tục ngữ nói vậy mà. "Hay" Anh chịu cực khổ làm luận án ấy,
chắc anh sẽ là một bậc tiến sĩ. Anh nên cố gắng. Hãy tìm đến thư viện để cuộc
khảo cứu có kết quả khả quan. À! Mà anh biết phương pháp bố trí luận án chưa?
Khi dọn xong, phải trình cho ban giám khảo cách nào anh đã biết chớ..." Thiệt
toàn những lời chỉ giáo hai xu. Chúng tôi cho bạn biết rằng, chúng tôi vừa bị
một người bạn thiếu cẩn ngôn làm hại. Họ lắc đầu tỏ vẻ thương hại chúng tôi vàa
cũng tỏ thái độ rất kinh nghiệm trong đời.
Họ thuyết: "Thì vậy.
Trên đường đời, bè bạn như kiến cỏ, nhưng có được mấy người tri âm. Anh nên khôn
ngoan trong việc chọn bạn. Tuổi anh còn trẻ, hay tin người. Nếu tôi ở hoàn cảnh
của anh, thì khó bề tôi bị người ấy gạt. Anh bị tai họa như vậy, về sau mới sáng
mắt...".
Cũng cái giọng quân sư bá láp ấy. Bạn than với họ rằng
trong gia đình, mình có ít hạnh phúc. Họ giảng theo bạn ngay, trước khi bước
chân vào cuộc hôn nhân, bạn không khéo chọn người tri kỷ. Họ trách bạn, sao
không tổ chức đời sống gia đình theo phương pháp này, phương pháp kia. Họ bảo
bạn, cho con cái đi học trường nào đó là ngu lắm, rằng chị ở nhà vụng về, không
giúp bạn thành công, rằng gia đình bạn xào xáo là tại không bắt chước hạnh kiểm
của vợ chồng họ.
Nếu chúng ta bàn cùng họ về đời sống đạo đức,
chúng ta phải mệt hết hơi vì phải nghe họ giảng đạo và tuyên truyền luân lý.
Trước hết, họ cho chúng ta biết rằng, họ nhờ giáo dục gia đình, hay nhờ tự luyện
gì đó, họ có đời sống đạo đức gương mẫu.
Chúng ta tồi tệ quá, có lẽ
tại chúng ta ít tu thân. Chúng ta phải học gương ông thánh này, bà thánh kia.
Đời tư chúng ta, phải tổ chức như của họ vậy mới mong sống đạo hạnh được. Trời
ôi! Thiệt không có thứ người nào nói chuyện đáng chán bằng những tay thầy đời.
Nào họ có bà con, hay tri âm tri kỷ gì với ban và chúng tôi đâu. Vậy mà họ dễ
dàng coi mình là bạn thân. Rồi ai tôn họ lên bậc sư vậy? Họ cũng không có chức
quyền hành nào đối với chúng ta. Giá họ là nhà giáo dục, hay một bậc nổi tiếng
đạo hạnh mà đi bán rẻ lời khuyên của mình như vậy thì còn dung htứ được. Trái
lại, họ là những người, không ra gì về mặt học tập cũng như về đạo hạnh mà lại
vênh vênh tự đắc. Thật mâu thuẫn và phì cười. Trong câu chuyện, nếu muốn được
thú vị, người ta phải biết trao đổi ý kiến với nhau, biết trọng lòng tự ái của
nhau... Họ có biết rằng khi họ cho mình là khuôn vàng thước ngọc thì kẻ đối
thoại với họ phải bị đè xuống, bị mất mặt. Mà khi con người bị tổn thương về mặt
tự ái, làm sao có thiện cảm với kẻ hiếp đáp mình.
Chúng tôi chân
thành ước muốn bạn hãy xa lánh tật thầy đời. Bạn nên tin rằng, trong câu chuyện,
nó thường làm cho thiên hạ oán ghét ta. Đành rằng cũng có một số người nghe
những giờ chỉ giáo hai xu của ta. Những người ấy, thường là những người nghèo ý
chí, kém kinh nghiệm, ít học thôi. Gặp những người điềm đạm, khôn ngoan, lịch
duyệt ma mở cái trò thầy đời ra, chúng ta chắc chắn bị họ trả cho bằng cái thinh
lặng huyền bí, hăm dọa, hoặc lãnh ở họ những bài học mà chúng ta nhớ sự chua cay
đến già. Có khi dạy đời sái mùa, gặp những tên hung ác, chúng cho chúng ta những
cái sửa lưng bằng vỏ lực, tổn hại đến nhân cách và tính mạng nữa.
Trên bước đường đời, có lẽ rồi đây, bạn sẽ gặp nhiều thứ người hay tự tôn làm
quân sư để dạy khôn thiên hạ. Trước hết, thái độ bạn là đừng phản đối họ. Thái
độ này, chúng ta biết là khó thực hiện. Những kẻ giàu đức hạnh, học hành cao, mà
muốn làm thầy chúng ta, thì chúng ta còn tiếp thu được. Nhưng gặp hạng bất đáng
mà cũng vênh váo dạy đời ta, ta dễ gì làm thinh. Bạn là người đi mua bạn, chớ có
phải đi gây thù đâu. Vì vậy, bạn làm thinh là thượng sách. Chúng múa trò gì, mặc
chúng. Những điều họ nói, biết đâu không giúp bạn thêm sáng suốt, miễn là bạn
đừng tin họ, miễn là bạn biết thu thập những tinh hoa của họ, rút điều hay trong
cái dở của họ.
Chúng tôi nói bạn đừng tin họ, vì chúng tôi muốn họ
nhớ cho điều này: Trên đời không có mấy kẻ thương chúng ta. Bao nhiêu điều chỉ
giáo của thầy đời không công, bạn nên coi như những lời khuyên, chớ không phải
là những quyết định. Trong việc làm ăn, cách tổ chức gia đình, tổ chức học tập
v.v... Phần quyết định là phần của bạn. Bạn nên tập điều khiển lấy mình, chịu
trách nhiệm về ước muốn và những hành vi của mình. Còn nếu không, bạn sẽ là thứ
"Người xay bột" trong chuyện biếm ngôn của La Fontaine, nghĩa là luôn nghe lời
kẻ khác và làm hỏng đời mình. Nói như vậy, chúng tôi không có ý bảo bạn, phải
quyết định điều gì thì bất chấp ý kiến của kẻ giàu kinh nghiệm, giàu kiến văn và
nhân đức. Không. Ta vẫn tìm họ để tham khảo ý kiến. Nhưng tránh tật ỷ lại, là
gặp vấn đề nào khó thì bối rối, chỉ mong chờ kẻ khác giải quyết cho tật ỷ lại
này, bạn hãy coi là quái bệnh của nhân cách, là độc dược của chí khí, là nhân tố
phá cuộc đời bạn.