Người ta có thể căn cứ vào lời bạn nói,
cách bạn cười, cử chỉ, điệu bộ, thái độ của bạn, lúc tiếp chuyện để đánh giá con
người bạn. Vậy, để gieo uy tín, thiện cảm, nhất định bạn phải biểu lộ nhân cách
cao thượng của mình trong tất cả những phương thế phô diễn tâm tưởng ấy. Sự biểu
lộ này rất hệ trọng cho danh giá, mà nhiều người chẳng để ý gì.
Chắc bạn cũng thường gặp nhiều người khi nói chuyện cónhững cái ngó đáng khinh.
Họ đưa mắt một cách âu yếm, van nài đắm đuối, trợn liếc v.v... Làm cho bạn thấy
trong tâm hồn họ có tất cả sự ỷ lại, hay hung ác.
Riêng chúng tôi,
đôi khi cũng gặp những kẻ hay cười, những cái cười không đáng một xu, mà còn làm
nhân cách họ tổn thương. Nghe kẻ khác nói tục, họ cười khoái trá. Nghe phường
son phấn nói chuyện trăng hoa, họ cười như tự cho mình là tay kinh nghiệm trong
làng chơi. Nghe một bà lão tàn tật cất lời vang xin lòng tốt của khách qua
đường, họ cười hắc hắc. Thấy người mẹ ôm mặt khóc rưng rức bên xác một đức con,
họ cười lỏn lẻn với thái độ khinh người.
Tất cả những điệu cười
của họ, khiến cho kẻ khác thấy họ tồi tệ, khả ố. Có nhiều khi người nói chuyện
thích chóng nạnh, hất mặt, nghinh cằm, vung tay vung chân. Làm như vậy, họ tưởng
kẻ khác coi mình là bậc anh hùng, ăn nói "chí khí". Nhưng tiếc thay, dưới cặp
mắt người giàu lương tri, họ chỉ là kẻ thất giáo, và cách ăn nói của họ, thuộc
làng dao búa thôi.
Rồi lại có những kẻ khác bất kỳ nói chuyện với
ai điều như mất hồn, có thái độ cóm róm. Có lẽ họ cho mình là hạng người khiêm
tốn và lễ phép, nhưng kỳ thật, họ chỉ là thứ người thiếu bản lĩnh và yếu đuối.
Người khác lại hay hỏi như con nít. Điều không biết, gặp ai họ
cũng hỏi. Vẫn biết hỏi là bí quyết nói chuyện, nhưng phải khéo lắm mới khỏi vô
tình tự cáo mình kẻ nhẹ dạ dốt ngu, tọc mạch. Đó là chưa nói thứ người muốn biết
những điều bất đáng, nhơ nhớp đặt những câu hỏi tỏ rõ tâm trạng đê hèn của mình.
Rồi có những người, nói chuyện khạc nhổ tứ tung, cách ngồi trắc nết, vừa nói vừa
xỉa răng, ợ ngược ợ xuôi nữa. Những cử chỉ ấy của họ, tuy nhỏ nhặt nhưng là
nguyên nhân làm cho lời họ nói, dù hay đến đâu cũng bị kẻ khác coi thường.
Không cần kể chi tiết cho bạn những thứ người bán rẽ nhân cách của
mình lúc nói chuyện. Một vài thứ người ấy kể ra đủ giúp bạn để ý săn sóc lời nói
và những thái độ lúc đàm luận, hầu thu phục lòng người. Đây là những đức tính
bạn nên thi hành để bộc lộ giá trị con người của bạn.
1/ Điềm đạm:
Chúng tôi đã bàn nhiều với bạn về đức tính cao quý này trong "Rèn
nhân cách". Ở đây tôi chỉ nói đôi điều cốt yếu có liên quan đến việc nói chuyện.
Gương mặt bạn không quạu nhưng có vẽ trầm lặng. Cặp mắt giữ cho
khỏi láo liên, mở ra sáng tỏ và ngó ai hay vật gì thì gom nhãn tuyến vào người
và vật ấy chăm chú. Lúc nói, nhìn thẳng vào mắt kẻ nghe. Khi nghe, nhìn mắt kẻ
nói. Tâm hồn nếu cảm xúc quá, nhất định trấn áp: Đừng để nó bạch lộ ra ở nét
mặt, giọng nói, cử chỉ...
Khi vui ta có thể thông cảm cho kẻ khác.
Nhưng vẫn giữ chừng mực.
Lúc nghe, bạn nên nghe kỷ lưỡng những
điều kẻ khác nói, chớ nóng tính cướp lời người ta.
Lúc nói hãy nói
êm thắm rõ rệt, kỹ lưỡng hết ý, hết lời.
2/ Tha thứ:
Nhất định không bao giờ cãi lộn. Làm thinh và bắt đầu nói chuyện khác khi bị kẻ
thất giáo chỉ trích, chọc giận. Khi phải đính chính điều gì, nói với thái độ
quân tử. Giọng nói đầy vị tha, êm dịu mà không yếu đuối, cứng rắn, mà không thô
cộc. Giọng biểu lộ một tâm hồn rộng như đại dương, tránh những cách hỏi xóc óc,
lối cười mỉa mai. Điệu trề môi khinh rẽ, kiểu liếc khiêu khích lòng tự ái kẻ
khác.
3/ Thanh nhã:
Tránh những câu chuyện có màu
sắc ô uế, kích thích phần hạ của con người. Giọng nói lúc nào cũng được săn sóc
cho hợp với tâm tình với câu chuyện và chứng tỏ một tâm hồn được giáo luyện đầy
đủ. Kỵ các lối cười lả lơi. Những điệu bộ của đôi tay phải tùy tâm tình câu
chuyện mà thi hành cao nhã, chứng tỏ bạn là người tự chủ, có đầu óc tinh tế.
Có nhiều đức tánh khác có thể giúp bạn biểu lộ nhân cách cao
thượng trong câu chuyện. Nhưng ba đức tánh trên, nếu thực hiện chu đáo, có thể
làm bạn trở thành người nói chuyện có duyên và được mến phục.