Phan Khôi nói:"Người Việt Nam phải viết
quốc ngữ cho đúng, dùng danh từ cho đúng". Bạn có thể nói:"Người Việt Nam và thứ
người nào cũng vậy, khi nói chuyện đừng nói sai tiếng mẹ đẻ".
Có
nhiều người sang trọng, đi đứng ra điệu thầy cô, có chức quyền cao, đậu nhiều
cấp bằng, nhưng nói tiếng mẹ đẻ một cách thương hại. Nói chuyện với ai, họ làm
kẻ ấy hiểu sai điều họ muốn nói. Ở nhiều nước văn minh, có không ít kẻ trí thức
về nhiều nghành học, quán thông nhiều ngoại ngữ, nhưng tiếng nước nhà của họ, họ
phát âm sai bét, nói trật văn phạm, diễn đạt ý mơ hồ, lầm lẫn. Đáng tiếc nữa là
trong nhiều nước chậm tiến, hạng trí thức không thông và khinh thường tiếng mẹ
nhiều như trấu. hiện giờ, có biết bao người, Hán học, Tây học thì hay lắm, nhưng
không dễ nói, viết tiếng việt trôi chảy. nói ngoại ngữ như Pháp ngữ, Anh ngữ,
thì như bắp rang, nhưng khi dùng tiếng mẹ thì không khác gì như một ngoại kiều.
Họ hay xen lẫn vào câu tiếng việt những tiếng Pháp, tiếng Anh,
tiếng La tinh để diễn ý, vì quá nghèo dụng ngữ tiếng nước nhà. Tiếng việt, tuy
không phong phú bằng Hoa ngữ hay La ngữ. Nhưng hiện giờ, có lẽ nó được trên sáu
bảy vạn tiếng. Đó là chưa kể những thổ ngữ, những tiếng lóng. Thế mà tại sao họ
cứ dùng đi dùng lại một mớ tiếng tầm thường nào đó trong khi đầu não của họ là
một kho ngữ vựng về ngoại quốc về khoa học, về sử địa.
Người cẩu
thả tiếng mẹ, bất chấp việc đánh hỏi ngã đã đành, họ còn không quan tâm đến cách
phát âm những phụ âm đầu như s, x,ch, tr. Sáng láng họ đọc"xáng láng", trung
trực họ nói"chung chực". Còn nạn dùng sai danh từ nữa. Ở một trường đại học mà
còn ảnh hưởng của nền giáo dục thực dân, trong 100 sinh viên, có đến bảy mươi
người dùng lẫn lộn hai tiếng"Chúng tôi" và chúng ta, dùng" phiền phức" thế"
phiền hà".
Người ta cũng không quên được, những người không biết
phân biệt loại tiếng dể dùng cho hợp câu chuyện. Một giáo sư của một trường
trung học nọ nói với chúng tôi:"nhà tôi cho con ở về chốn thần kinh". Bạn nghe
có trái tai chưa. Tại sao ông không nói đơn sơ:"nhà tôi cho con ở về Huế".
Người cẩu thả tiếng Việt, cũng không tùy người tiếp chuyện để ăn
nói cho xứng hợp. Đối với người cao tuổi, có chức quyền hơn họ, họ vẫn dùng
những tiếng mà họ nói với bè bạn lúc giởn chơi. Những tiếng"Ba đá, ráng chịu,
quá sá, mừng, bồ", họ tha hồ sử dụng cho bất cứ ai giao tiếp với họ.
Những cách xưng hô để chào hỏi, giới thiệu, từ giã, họ cũng dùng
sai bét mà không ý thức được lỗi của mình.
Lẽ dĩ nhiên, bạn biết
câu chuyện của họ, không gây thiện cảm sâu sắc nơi người nghe. Có khi, người ta
đối xử tử tế với họ vì xả giao. Nhưng bên trong người ta coi thương họ.
Muốn khỏi thất bại như họ trong lúc nói chuyện, xin bạn chịu khó
trau dồi tiếng mẹ đẻ.
Xin bạn học nằm lòng những điều chúng tôi
nhắn gởi bạn dưới đây, để sử dụng tiếng mẹ có giá trị và gây thiện cảm, uy tín
với mọi người.
1/ Lo cho mình có một vốn dụng ngữ phong phú.
Phương thế là học tự điển, học những sách về từ ngữ. Xin bạn nhớ
kỷ, chúng tôi nói học, chớ không phải coi hay tra thôi. Tập thói quen để trên
đầu giường một quyển danh từ hay một quyển tự điển, để trước khi ngủ học vài
chữ. Théodore Rooselt có tập quán để một quyển sách trên bàn giấy và đọc trog
những phút đợi khách. Tại sao bạn không để ở bàn ăn một cuốn danh từ để học lúc
chờ dọn bữa ăn.
Anatole France mê dùng tự điển như người mê dùng
tình nhân, nên ông trở thành đại văn hào, ít ra bạn học ngữ vựng, để có nhiều
dụng ngữ, hầu diễn đạt tâm tưởng của mình chính xác, tường tận. Muốn dụng ngữ
phong phú, bạn cần đọc nhiều loại sách báo. Sau khi đọc, chịu khó ghi trong sổ
riêng những tiếng không biết, rồi tra tự điển. Nên giao du với những người giỏi
tiếng mẹ, bàn chuyện với nhà văn, chú ý học những tiếng chuyên môn, những tiếng
lóng, tiếng địa phương, thổ ngữ của bất cứ người nào bạn giao tiếp. Khi nghe
giảng hoặc nghe diễn thuyết ở đâu, cố gắng học cách dùng tiếng của diễn giả.
Tiếng nào mình chưa biết về nhà tra tự điển.
2/ Dùng tiếng cho
chính xác.
Theo Gustave Flaubert, bất cứ điều gì ta nói, chỉ có
một tiếng nào đó để diễn nó ra. Bạn hãy tìm cho được tiếng ấy. Nên đọc truyện
Kiều để học tài dùng tiếng chính xác của Nguyễn Du.
Nguyễn Hiến Lê
khuyên bạn muốn tìm tiếng đúng nên:
a) Lựa một tiếng cụ thể.
b) Dừng dùng tiếng mơ hồ.
c) Đừng nói ơ chung quanh
hay nói quá.
d) Đừng dùng tiếng sáo.
e) Phân biệt
những tiếng lóng và tiếng thanh nhã.
f) Hiểu rõ những tiểu dị giữa
những tiếng đồng nghĩa.
Đó là những lời khuyên vàng ngọc mà bạn
nên nhớ.
Tóm lại, chúng ta cần rèn luyện tiếng mẹ đẻ để trở thành
người nói chuyện hay, và làm cho người nghe có cảm tưởng tốt về nền giáo dục, về
giá trị văn hóa của ta.