Muốn nói chuyện có nghệ thuật, thì phải
nói, nói cho nhiều để thuyết phục: Sao lại phải nói ít. Quả là điều mâu thuẩn?
Có lẽ bạn hỏi chúng tôi như vậy.
Có ai trong xã hội, không muốn
cho kẻ khác biết giá trị của mình. Người ta tự nhiên thích những nhà huấn
nghiệp, những kinh nghiệm, những đức tính của mình để kẻ khác ca tụng. Bạn ít
nói, tức là bạn nhường cho người đàm thoại cái hân hạnh được tự giới thiệu mình.
Họ có dịp mua lời khen ngợi, chắc chắn sẽ coi bạn như một tri kỷ.
Thiếu gì người, hay tìm cái hư danh trong chỗ nói nhiều để tỏ ra mình hoạt bát,
học rộng. Bạn ít nói, tất nhiên, họ được cơ hội dùng lưỡi tha hồ chém mây chặt
gió. Vì vậy, họ coi bạn là người biết tìm hiểu họ, ca tụng họ.
Không mấy người không có óc ham dạy đời. Thường người ta mở miệng là chỉ bảo,
khuyên răn kẻ khác, một câu chuyện gây hứng thú, phải là cuộc trao đổi qua lại
những tâm tưởng. Bạn biết rõ điều ấy, nên nhường lời cho kẻ khác thuyết trình
những gì họ cưu mang trong tâm hồn. Nói được những điều ấy ra, họ cảm thấy câu
chuyện làm họ sung sướng. Thế là bạn chiếm được thiện cảm của họ rồi. Giá bạn
yêu cầu họ hy sinh đều gì không quá đáng chắc họ dễ dàng làm vừa lòng bạn. Bạn
gặp hai người lạ.
Một người nói chuyện với bạn như két. Một người
chăm chú nghe và thỉnh thoảng nói đôi tiếng thôi. Vậy, bạn có cảm tình với ai?
Người thứ nhất đa ngôn, vô tình cho bạn biết sạch sành sanh tâm hồn của mình.
Giá họ có ác tâm lập mưu kế gì hãm hại bạn, bạn cũng biết được chút ít. Còn
người thứ hai huyền bí làm sao. Bạn không biết ý họ thế nào. Mỗi tiếng bạn nói
ra, họ lóng tai nghe, và bởi vì họ ít nói, nên bạn cho rằng lời nói của họ là
kết quả của suy nghĩ. Bạn nghe họ dễ dàng. Như vậy, đối với kẻ khác, tại sao bạn
không bắt chước người thứ hai, bạn ít nói: Bạn làm cho kẻ khác kính nể. Tuy
nhiên, không để họ nghi kỵ mình: Thỉnh thoảng bạn nên nói đôi lời đầy ý nghĩa và
nhất là bạn chú ý nghe họ. Ai mà không kính phục và mến yêu họ.
Sáng suốt như tổng thống của nước mỹ, Ông théodore Roosevelt còn khiêm tốn thú
nhận rằng, trong một trăm lần phán đoán có hai mươi lăm lần sai. Còn chúng ta
thì sao? Vậy trước khi nói, tốt nhất chúng ta nên chịu khó suy nghĩ để bớt sai
lầm. Muốn thế thì phải nói ít. Nói luôn miệng thì không có thời giờ "Đánh lưỡi
bảy lần". Người ta không dám quả quyết điều gì, chớ vẫn dám bảo ai nói nhiều thì
khó bề tránh khỏi nói bậy. Bạn ít nói tất nhiên, bạn tránh được nhiều lỗi lầm và
chạm tự ái người nghe.
Mà bạn nói nhiều để làm gì? Có phải để
người đối thoại ghi nhớ tâm tưởng của họ không? Điều chúng ta ước muốn họ am
hiểu, họ cũng hiểu trong một chừng mực nào đó thôi. Họ lo trả lời. Lo cắt nghĩa,
phân tách, chỉ trích, chưng bày hiểu biết của mình. Vậy sao bạn tốn hơi nói thao
thao bất tuyệt. Nói vừ đủ và nói kỷ là khẩu hiệu khi bàn chuyện.
Bạn ít nói, để khỏi phiền lòng người khác, trong cuộc sống, có không ít trường
hợp người nghe bận việc, chẳng dư giờ đàm luận với ta, nên ta phải hết sức vắng
tắt. Còn năm phút nữa bạn lên xe hỏa. Một người nó cứ kèm chân bạn thuyết nào
chính trị, tôn giáo, nào con gà của y nhảy bể cái ly, nào vợ y có nghệ thuật
trang điểm. Bạn có cảm tưởng thế nào đối với người ấy? Nếu bạn đa ngôn với ai
khác, thiên hạ cũng có cảm tưởng đó đối với bạn. Nếu nói ít, mà bạn thấy câu
chuyện hơi tẻ lạnh, bạn nên thúc đẩy họ nói. Không khó lắm. Bạn hãy hỏi về nghề
nghiệp của họ. Gặp một bác sĩ, bạn hỏi họ về thuật chuẩn mạch, cách đoán bệnh
trạng và những thành công của họ bấy lâu. Nói chuyện với nhả sử học, bạn chất
vấn họ về những trào lưu tiến thoái của một nền văn hóa, văn minh nhân loại
v.v...
Ai mà không thích nói những sở trường của mình? Phần đông
con người, hay cho mình là quan trọng, biết vậy, sao bạn không gài chỗ ngứa của
họ. Bạn đưa tiếp một người làm chánh quyền, thì bạn cứ hỏi họ, cách nào mà họ
cai trị được người ta mến như vậy? Nhờ đâu họ có địa vị cao sang ấy? Câu chuyện
của bạn với một nhà doanh nghiệp lạnh lạt quá à? Sao bạn không hỏi kế hoạch kinh
doanh của ông có thể đem lại kết quả thế nào? Chắc kết quả mỹ hảo lắm. Ông
thuyết cho mà coi. Bạn lúng túng trước một nhà văn, vì thấy họ mà bạn không biết
phải bàn vấn đề gì. Thì cứ nghề viết văn mà hỏi: Làm sao bước vào nghề cao quý
ấy. Tác phẩm của ông hay như vậy: Ông viết cách nào. Nghề văn có cực lắm không.
Thường viết một tác phẩm bao lâu. Việc xuất bản có những trở ngại nào...
Một ích lợi nữa. Ở trên chúng ta đã nói, khi ít lời, bạn tránh
được sai lầm trong tư tưởng. Người nghe của bạn cũng tin cậy ở bạn điều ấy. Một
luật hết sức tự nhiên, là người ta quý trọng lời của kẻ ít nói. Bạn cáng tiếc
lời, thiên hạ càng chú ý nghe. Có khi bạn nói ra những tư tưởng không sâu sắc
gì. Nhưng bởi vì người nghe yên trí rằng, bạn là người "Ăn có nhai, nói có
nghĩa". Nên trọng những tư tưởng của bạn như vàng.
Tóm lại, nói ít
được nhiều ích lợi. Từ đây, trong câu chuyện hằng ngày, bạn hãy cương quyết hãm
khẩu. Có khi đọc xong Phần này, bạn hối hận sự đa ngôn đã qua của mình. Bạn cố
gắng đặt cho ngọn lưỡi một dây cương để trì nó lại khi bạn nói. Nhưng rồi vài
bữa sau, bạn cũng thấy mình trở lại tật cũ. Tuy nhiên, bạn cố gắng canh phòng nó
hàng ngày. Bạn hãy viết mấy tiếng này để mỗi sáng tự ám thị: "Hãm khẩu. Hãm
khẩu. Hãm khẩu". Trên đường tu tâm, tuy chưa thành công được điều gì, nhưng đã
thắng được ngọn lưỡi, bắt nó ít nói là đã thành công khá lắm rồi. Thánh nhân có
câu: "Nếu ai không phạm tội trong lời nói, người ấy là kẻ hoàn toàn, có thể kiềm
hãm cả thân thể mình. Nếu bạn không tin lời chúng tôi, thì ít ra, bạn nên suy
gẫm trong lòng những tiếng vàng ngọc ấy.