Cái tật nói dóc, nói láo không bằng cớ,
nói ẩu này, thưa bạn, không phải người thất học hay có trí não xoàng, mà cả
những người trí thức, những kẻ tự gán cho mình sứ mạng dẫn đạo quần chúng như
một vài nhà báo. Rằng thông thái thì thật thông thái, nhưng "thả vịt" vẫn "thả
vịt" quán quân.
Tại sao người ta hay có tật nói láo như thế? Có
nhiều nguyên nhân mà đây là nguyên nhân chính.
Nếu thành thật với
mình, ai trong chúng ta đều tự nhiên thích nói láo. Xu hướng này có thể nhờ giáo
dục được tiêu diệt. Nhưng thoạt đầu ai cũng có nói ít nhiều. Người thả vịt là
người không cầm hãm bản tính khoác lác tự nhiên của mình. Có khi từ nhỏ tới lớn,
họ đã sống gần những người nói dối, tật xấu của họ ngày càng nảy nở. Láo từ xu
hướng biến thành tập quán, bắt họ hễ mở miệng là phải nói sai, nói nghịch sự
thật. Một mặt họ khỏa lấp lương tâm tự dối mình. Mặt khác, họ có ý gạt thiên hạ.
Cho nên có thể nói, người "thả vịt" là người không thành tâm và gian xảo.
Một nguyên nhân khác của tật "thả vịt" là nhát đảm. Người có gan,
khi nói điều gì mình biết chắc, mà kẻ khác vẫn nghi ngờ thường không nao núng.
Họ thấy sao nói vậy: ai không tin thì mặc kệ. Họ không cần. Người "thả vịt"
không có được đức can đảm và tính điềm đạm này. Nói một điều gì đó, họ muốn cho
người ta tin, nên họ dùng phương thế phóng đại sự thật, tô điểm điều mắt thấy
tai nghe của mình cho thành mười để quyến rũ lòng tin của tha nhân.
Có khi người "thả vịt" vì tính nhẹ dạ và vụt chạc. Thứ người này
lắm khi nói láo một cách thành thật. Họ không có ý gạ gẫm ai. Họ muốn nói điều
mình tưởng thôi. Nhưng tiếc là, điều họ tưởng lại là con đẻ của sự tưởng tượng
quá lố. Đi ngang qua một khu rừng, dưới ánh trăng mờ, họ bỗng la lên: "rắn, rắn,
con rắn to quá". Người đi cùng với họ, bình tĩnh hơn, coi kĩ lại cái gì họ cho
là con rắn, kì thiệt là một rễ cây cổ thụ có hình giống con rắn nằm khoanh. Thì
ra người nhẹ dạ này không có ác tâm, tưởng mình gặp rắn thiệt. Trong khi lúc
loạn lạc ở nhiều nơi quá sợ quân giặc, có thiếu gì bà già, con trẻ, hay người
nhát gan, thấy xa xa đoàn người nào đó, không nhận định kĩ, tưởng lính ruồng và
báo hiệu như giờ tận thế.
Lối 1946, chúng tôi nhớ đã nhiều lần tìm
bộng cây để trốn, tìm bến ô rô, cóc kèn để "chém vè" cũng chỉ vì những báo động
thả vịt: "Tây ruồng, lính ruồng, Ma rốc ruồng..." Lố, một vài nguyên nhân chính
thường làm cho nhiều người, hễ mở miệng ra là nói lố, nói sai điều mình nghe
thấy. Ở thời nào, ở đâu cũng có người thả vịt, và rất tiếc, ở đâu cũng có hạng
người, sẵn sàng tin họ, nên họ càng hãnh diện với tật xấu của mình. Trong hạng
người này có cả bạn và tôi nữa. Không tin làm sao được. Họ nói có lí quá mà.
Muốn cho chúng ta tin lời họ, người "thả vịt" tìm nhiều lí lẽ. Dĩ nhiên là những
lí lẽ bịa đặt để làm chứng điều mình nói. Khi nói, họ có thái độ quả quyết và có
thái độ cả tin ở những điều mình thuật lại, nên người nghe, khi chưa biết tật
của họ, khó bề mà không tin.
Thuật lại cho bạn, tình trạng của một
chiếc đò máy chìm. Họ không nói đơn giản như sự thật xảy ra. Họ nói đò bể, nước
tràn vào lò như lụt hồng thủy thời Noe, hàng hóa và hàng khách chìm đắm rất
nhiều. Tai nạn có khi hết sức cỏn con, mà nghe họ tả, bạn phải liên tưởng đến
cuộc chìm đắm vô cùng thảm khốc của một chiến hạm. Trong gia đình, thiếu gì bà
mẹ có tật sớn sác và thả vịt. Ở nhà trên thấy lửa nơi bếp cháy lan gần đống lá
dừa và đống củi khô. Bà liên tưởng đến nhà cháy và hớt hải la: "Nhà bếp phát
hỏa! Trời ơi! Nhà bếp phát hỏa" Nơi học đường thứ người ấy cũng không ít. Có
nhiều thầy giáo thuật chuyện cho học sinh nghe. Muốn câu chuyện hấp dẫn, họ tạo
nhiều điều kì quặc, khiến học sinh giàu lương tri phát chán.
Ngoài
cuộc đời, thứ người "thả vịt" ôi thôi! Nhiều như cỏ. Nay người này bảo khan
đường, khan sữa. Mai kẻ khác nói có bệnh thiên thời nổi lên, có người sinh quái
thai mình người đầu rắn. Cách đây đã khá lâu có người nói với chúng tôi một con
heo nái biết cười và tiếp chuyện rất có duyên. Chúng tôi ngạc nhiên. Người ấy
quả quyết: "Có kẻ đi coi về nói lại với tôi và con heo nái ấy hát nữa. Chúng tôi
hỏi hát sao. Họ đáp:
"Đọt xoài mà chấm mắm chua,
Sự
đời giả dối tranh đua làm gì.
Bạn nghe có rởn óc không?
Tưởng không
cần dẫn chứng thêm về tật giả vịt. Theo kinh nghiệm, bạn biết trong câu chuyện
hàng ngày, có không ít người hay nói lố. Họ cũng gây một ảnh hưởng nào đó chớ
không phải không. Khi chưa biết tánh họ, người ta vẫn có thể tin họ. Mà khi biết
họ có tật ấy rồi, người ta vẫn bị họ lừa gạt. Họ thả vịt bất ngờ, rất khó đề
phòng. Vả lại con người tự nhiên hay hồ nghi. Khi nghe họ "loan báo", người ta
tự nói: "Có lẽ. Biết đâu điều y nói chẳng là sự thật" Khi mà chân lí chưa được
đưa ra ánh sáng điều dóc láo của kẻ thả vịt có thể gây ra dư luận. Nó bay từ nơi
này sang nơi khác. Khi nằm trên miệng quần chúng rồi, chuyện thả vịt có thể làm
cho nhiều người tin, như tin một tín điều.
Đó là tai họa người thả
vịt gây cho kẻ khác. Còn tai hại họ tạo cho mình thì vô số.
Khi
chưa nắm chắc sự thật, người ta vẫn thường kinh rẻ kẻ dóc láo. Khi bàn chuyện
với ai, mà bạn thấy họ ăn nói trầm tĩnh, phán quyết dè dặt, trình bày ý kiến
khách quan, thì bạn thích và phục họ. Người thả vịt lúc tiếp chuyện ăn nói
nghịch hẳn những đức tính này. Trước mặt bạn, họ con nít, tính tình vụt chạc,
phán đoán mơ hồ, lí luận chủ quan và nhất là, vì quá già hàm, mất đi d sự trầm
tĩnh, làm tiêu tan dũng khí, nên có thái độ tiêu cực đáng khinh. Vì vậy, tự
nhiên bạn không quí phục họ. Chưa biết hư thực thế nào, nhưng bạn tự nói trong
bụng: "Coi già hàm và nói khoác quá" Và về phẩm giá người đó, bạn có cảm tưởng
thế nào? Chúng tôi để bạn tự trả lời.
Phần bạn, chắc bạn nhất định
không bao giờ chịu nói dối. Bạn phải tuyệt đối nhờm gớm tật thả vịt. Khi phải
thuật lại chuyện gì, nghe mười điều, nên nói năm, sáu thôi. Không phải bạn giảm
sự thật. Thái độ dè dặt ấy tránh tật quả quyết lố. Trong khi nói lại, bạn nên có
giọng khách quan. Chịu khó dùng những cách nói như "theo tôi nghĩ, chỗ tôi thấy,
hình như..." Bạn đừng tin ngũ quan mình quá. Tâm lí học dạy chúng ta, có nhiều
khi chúng ta tự gạt mình. Có khi trong lúc thuật lại chuyện gì, lòng tự ái không
muốn chúng ta mất mặt và ước ao kẻ khác tin chúng ta nên thường thúc đẩy chúng
ta nói lung tung. Hãy tránh những tự ái ngu muội ấy. Bạn nói sự thật, dù khô
lạt, dù không đáng tin, bạn cứ nói như mình biết. Ai tin hay không, không cần.
Bạn đâu hèn hạ đến nỗi vì mua lòng tin của kẻ khác mà bán rẻ nhân cách của mình
bằng lời nói láo.
Điều nên để ý nữa là, khi nói chuyện với ai, bạn
nên cố gắng ảnh hưởng họ. Mà làm sao? Bạn phải dùng nhân điện tích cực của mình.
Nguồn nhân điện ấy do sự điềm đạm diễn ra trong tròng mắt, trên vầng trán, ở nét
mặt, nơi nụ cười và nhất là trong các lời nói trầm tĩnh, có chừng mực, êm dịu
hợp lí của bạn. Nếu bạn hốp tốp "thả vịt" thì tức bạn thành con người yếu, con
người dễ bị ảnh hưởng. Trái lại, nếu bạn điềm đạm trong mọi mặt, người nghe của
bạn tự nhiên kính phục bạn.
Hơn nữa, bạn đừng quên khi thả vịt,
người ta thường không tự chủ, nói nhiều chuyện hớ, vô tình tự thú mình là người
kém trí. Cố gắng dóc láo có nghệ thuật đến đâu nói chuyện một hồi với người sâu
sắc, kẻ thả vịt cũng bị hiểu hết tận ruột gan và bị khinh. Muốn lời nói mình
được chú ý, kính trọng và gieo ảnh hưởng, bạn tránh thói quen nói láo để chơi,
nói cợt giễu, trào phúng hay nói xàm cả đống tiếng mà không chứa đựng ý nghĩa
nào. Đằng rằng sự giễu cợt đôi khi cần thiết để tỏ sự thân thiện giữa bạn bè và
người quen thuộc. Cợt mãi, tới chừng muốn nói thật, người ta cũng tưởng mình cợt
luôn. Chúng tôi có quen một sinh viên hay láo khoát, trào phúng. Anh có hình
dáng nghiêm như tượng Di Lạc trên bàn thờ, nhưng toàn thể con người anh hay
giỡn. Hễ nói tới tên anh, người ta liên tưởng đến, nào nói gạt, nào nhăn mặt,
trợn mắt, giấu đồ, thoi đá. Thú thiệt với bạn, chúng tôi có cảm tưởng xấu với
anh. Nên trong cuộc sống hàng ngày, tự nhiên không tin anh được. Mà có nhiều
lúc, anh nói thật lắm. Nhưng khi nghe anh rồi, chúng tôi tìm bạn khác để hỏi lại
cho chắc.
Nếu ta hay khoác lác, giễu cợt, người ta sẽ đối sử với
ta, giống như chúng tôi với người bạn chúng tôi vừa nói đó.
Còn
bạn, đối sử với người nói chuyện cùng bạn mà thả vịt thì sao? Có lần chúng tôi
muốn bạn tập thói quen ấy hẳn hòi đối với người thả vịt. Cái mà họ gọi là:
"Người ta nói, người ta đồn..."bạn đừng cho là tiêu chuẩn của sự thật. Ngày xưa
người ta, trí thức nữa, chẳng đã nói mặt trời xung quanh trái đất à? Họ có nói
rằng điều họ quả quyết do mắt thấy tai nghe. Bạn vẫn hoài nghi như Desscartes.
Có thể ngũ quan người ta sai lầm. Có thể người ta phán đoán theo trí tưởng
tượng, theo ý muốn, theo thành kiến của người ta, hơn là theo sự thật xảy ra.
Tuy nhiên, bạn đừng cộc lốc quăng vào mặt họ những tiếng như: "Nói dóc...thả
vịt.." Bạn đang thu tâm mà. Bạn cứ nghe họ nói. Nghe là đã làm cho họ thích bạn
rồi. Còn tin hay không là việc làm trong lòng bạn. Chắc chắn bạn chỉ tin những
điều bạn chứng là thực, mà thôi.