Ngũ Tử Tư từ lúc lưu vong, xin ăn dọc
đường bụng đói lả. Đến đất Phiên Dương thấy một thiếu nữ đamng ngồi giặt lụa
trên bến Lại Thủy, có đem theo mo cơm đặt bên cạnh.
Tử Tư
nói:
- Ta trên bước đường cùng nên mới xin ăn, xin nàng giúp
cho!
Thiếu nữ ngước lên nhìn Tử Tư rồi nói:
- Thiếp
trông ngài không phải là người thường, đâu dám vì chuyện nhỏ mọn mà không cho
ăn?
Người con gái mở gói cơm đưa cho Ngũ Viên (tức Ngũ Tử Tư) và
Thắng (Thắng là đứa bé con Thái tử
Kiến). Kiến bị vua cha muốn giết bỏ trốn tránh qua Trịnh, sau phản Trịnh bị giết
ở Trịnh. Tử Tư phải mang Thắng theo). Ngũ Viên và Thắng cùng ăn. Ngũ Viên biết
thiếu nữ nghèo khổ, lại ở nơi vắng vẻ, nên không dám ăn hết, để lại cho nàng một
phần. Thiếu nữ nói:
- Hai người còn đi xa, hãy dùng hết
đi.
Ngũ Viên và Thắng ăn hết cơm. Lúc sắp đi, Ngũ Viên
nói:
- Tôi không bao giờ quên ơn nàng. Tôi là người chạy trốn. Nếu
gặp người khác xin đừng tiết lộ.
Thiếu nữ than:
- Ba
chục năm nay ta chưa hề tiếp chuyện với người đàn ông nào. Giờ vì miếng ăn thành
ra thất tiết! Thôi, các ngươi đi đi!
Ngũ Tử Tư đi được mấy bước,
ngoảnh mặt thấy cô gái giặt lụa ấy đã ôm lấy cục đá nhảy xuống sông mà trầm
mình.
Ngũ Viên bi thương quá đỗi, cắn ngón tay chảy máu, viết hai
mươi chữ trên đá: "Nhĩ hoàn sa, ngã hành khất. Ngã phúc bảo, nhỉ thân nịch. Thập
niên chi hậu, thiên kim báo đáp" (Nàng giặt lụa, ta ăn xin. Ta bụng no, nàng
chết chìm. Hẹn mười năm nữa ngàn vàng báo đền).
Tử Tư lấp đất hòn
đá lại rồi dắt Thắng vào nước Ngô.
Lời
Bàn:
Cho đến bây giờ, có lúc người ta gặp cảnh ngộ thất thường
đành tạm ăn xin qua ngày, thì thời
đó việc ăn xin của Ngũ Tử Tư cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Vấn đề ở đây là
một thiếu nữ quê mùa sau khi cho Ngũ Tử Tư ăn một bữa cơm, nàng lại trầm mình.
Tại sao nàng lại tự sát? Có người nói, thiếu nữ chết là bởi Tử Tư dặn một câu:
"Nếu gặp người khác xin đừng tiết lộ". Nàng chết là để Ngũ Tử Tư yên tâm. Thật ra đó
là ý phụ.
Ta xem câu nàng nói: "Thiếp trông ngài không phải là
người thường, đâu dám vì chuyện nhỏ mọn mà không cho ăn?" "không phải người
thường" có ý chỉ Ngũ Tử Tư là nhân vật quan trọng sau này. "Đâu dám vì chuyện
nhỏ mọn mà không cho ăn". Chuyện nhỏ mọn ở đây không chỉ việc nàng nhịn đói một
bữa, mà có ý chỉ cho việc "không được tiếp xúc với đàn ông ở nơi vắng vẻ". Vì vậy
nàng mới than: "Ba chục năm nay ta chưa hề tiếp chuyện với người đàn ông nào. Giờ vì miếng cơm
thành ra thất tiết!"
Chỉ nói chuyện với đàn ông mà nàng cho là "thất
tiết", đủ hiểu cái "tiết" to lớn đến bậc nào. "Tiết" ở đây là tiết hạnh, là sự
trong trắng từ thể xác đến linh hồn. Phẩm tiết là cái diện mạo của Trinh tiết.
Phẩm tiết không có thì cái "Trinh" cũng bằng thừa. Vì nhiếu người không thân dâm
mà ý dâm thì sao? Phẩm tiết của người con gái không hẳn chỉ ở những nhà quyền
quý, không hẳn chỉ ở những tiểu thư, công nương, không hẳn chỉ ở những gia đình
thế phiệt, trâm anh. Lấy theo con mắt của người nay, thì cái chết của thiếu nữ
giặt lụa là "chết dại", nhưng với con người phẩm hạnh của người xưa, họ cho
rằng: "danh tiết còn giá trị hơn thân xác". Vì thân xác có thể mất đi nhưng danh
tiết vẫn còn.
Hình ảnh ấy vừa cao cả, vừa bi tráng.