Tác giả : Đặng Quang Tình
Trước khu tập thể có một cái cột điện.Cái cột điện ở liền kề một biệt thự ba tầng cũng của khu tập thể, nhưng được xây riêng ra, có cả tường bao. Ở chân cột điện, hàng ngày có một ông già chữa xe đạp. Ông ngồi câm lặng khi không có khách và cũng chỉ đáp lời khi được hỏi. Khách cũng chẳng nhiều nhặn gì: dăm học sinh, mấy ông bà già tập dưỡng sinh đưa xe đạp đến bơm vá săm, chỉnh líp phuốc, chuốt dây phanh... à chiều tối còn có lũ trẻ con dắt đến khi cái xe ba bánh, lúc xe có bánh chống: “Ông ơi! sao cái bánh xe của cháu không quay?”, “Ông ơi! sao cổ nó cứ ngoẹo?”...
Lặng lẽ chữa, ai trả bao nhiêu cũng được; có trẻ cười trừ, ông cũng cười. Hòm đồ nghề của ông khá nặng. Hồi đầu, hàng ngày ông lễ mễ bê lên gác ba ga xe đạp lai, dắt đi, về. Sau, có một đầu gấu cảm kích bảo ông cứ xích vào chân cột điện không sợ mất. “Mỗi anh hùng một sơn hà”, chôm chỉa cũng có luật: không chôm chỉa sở tại, chỉ xi nhan cho cánh khác. Còn đã có lệnh thì mục tiêu an toàn tuyệt đối. Quả nhiên, cái hòm đồ của ông không suy suyển trong khi mấy cái cửa sắt hớ hênh một đêm mất liền ba cánh.
Một hôm, có một học sinh đứng đợi chữa xe thì cánh cửa biệt thự mở. Cháu ông chủ biệt thự bước ra:
-Ê Liên! mày biết hu-ít-hu là gì không?
-Là gì ấy à?... Mày viết ra cho tao xem chứ cái tiếng Anh ba giọi của mày ai nghe mà hiểu được.
-Đây! Cậu bé lấy que vạch xuống đất ba chữ Who is Who.
-Ôi dà! ai là ai... có vậy cũng đố.
-Ngu ơi là ngu... hu-ít-hu là danh nhân.
-Danh nhân cái con khỉ! Hu-ít-hu chỉ là ai là ai thôi! Phải không ông? Liên quay sang hỏi ông chữa xe đạp.
-ờ ờ... cả hai đều đúng! Who is who trực dịch là ai là ai. Nhưng cũng có thể hiểu là danh nhân. Có một số người nói như thế...Còn đúng danh nhân là celebrity; cũng có thể là famous man hay well-known man.
-Danh nhân là những người có danh tiếng phải không ông? Được gọi theo tiếng Anh chắc phải là danh nhân thế giới .
-Cũng không hẳn như vậy, vì chỉ là sự công nhận của một nhóm người chứ không phải của một tổ chức chính danh nào, nên cũng khó nói là có đẳng cấp quốc tế.
-Nhưng vẫn oách chứ ông? Được Tây công nhận cơ mà!
-Oách chứ! Ông tao là hu-it-hu đấy!
-Chà ghê quá! Thế nhà văn Tô Hoài nhà thơ Tố Hữu có phải là danh nhân không ông?
-So với....Các ông ấy là đại danh nhân ấy chứ! Nhưng không phải là who is who.
-Vì sao vậy ạ?
-Vì các ông ấy không có đô la nộp cho người ta.
-Đúng rồi! Cậu cháu ông giám đốc nói: không phải muốn là được mà phải có năm ngàn đô.
-Eo ôi, năm ngàn đô thì to quá!
-To chứ! năm mươi tờ cơ mà! Bà tao cứ cằn nhằn, ông tao mới cáu, mắng cho: “bà biết một mà không biết hai!” Thế là bà tao im luôn. Bà tao sợ ông tao tăng xông. Ông tao có máu tăng xông thật đấy! Eo ôi, cái hôm tao theo ông tao đi Hải Phòng, cái cô thư ký Mỹ cứ cãi ốp trứng là ốp-la, trong khi ông tao bảo là ốp-lết. Cuối cùng ông tao mặt đỏ tía tai rít lên: “Cô mà dám dạy tiếng Tây tôi à?”.. Cô Mỹ vội đưa thuốc, rồi xoa ngực vuốt lưng ông, mồm rối rít: “Em xin lỗi! Em xin lỗi... Đúng là ốp lết, ốp lết...” Eo ơi, sợ quá! Tý nữa thì ông tao tăng-xông.
-Ông ơi! Liên lại hỏi ông chữa xe đạp- có năm ngàn đô ông có là hu-ít-hu được không?
Ông chữa xe đạp cười, cả buổi bây giờ ông mới cười:
-Cũng có thể...
-San! vào nhà ngay.
Cậu bé dật mình chạy tọt vào sân, sập cửa lại. Bà nó đón ở bậc thềm:
-Không được ra ngoài ấy!
-Bà ơi! Ông chữa xe đạp bảo có năm ngàn đô ông ấy cũng có thể là hu-ít-hu.
-Nghe cái lão ấy làm gì. Từ nay không được đến chỗ lão.. Rồi bà lẩm bẩm: Đến phải tống cổ cái lão vô ơn bạc nghĩa đi thôi!
San không hiểu sao bà lại ghét ông chữa xe đạp đến vậy? Bà đã dặn xe hỏng thì mang sang hiệu bên kia đường mà chữa, không đưa cho cái lão ăn cháo đái bát ấy.
Bà thằng San ghét ông chữa xe đạp là có lý. Ghét tràn hông ấy chứ!
Ông chữa xe đạp vốn là một kỹ sư cơ khí giỏi và trước đây cũng có một căn hộ trong khu tập thể, rồi phải bán đi mua lại một thẻo rau muống trong làng dựng lều tá túc. Ông đã từng là trợ thủ của ông nội thằng San. Trong một đợt xây dựng cơ sỏ ở T. ông bị kỷ luật lưu Đảng một năm nhưng chỉ năm rưỡi sau ông lại được đề bạt là phó giám đốc phụ trách kỹ thuật. Ông nội San là giám đốc đã an được nội bộ (việc này không khó vì ông kỹ sư vốn là người tốt, trong sáng), thuyết phục được cấp trên vì chuyện ở T. là do sự “lỏng lẻo có tính chất đặc thù”, “trách nhiệm của tập thể”, chứ “người phụ trách là trong sáng. không tư túi”.... Thế mà chẳng biết ơn người cưu mang, chỉ một tháng sau đã dở bướng.
Số là, lần ấy giám đốc bảo ông vào Nam thay mặt cơ quan nhận tiền do một cơ sở đang làm nên ăn ra tự nguyện cho cơ quan vay trong năm năm không tính lãi để làm vốn tự cứu. Đang đợi chủ thể thì một người ở cơ quan thường trú đến bảo vừa nhận được điện của giám đốc bảo ông chỉ việc ký giấy nhận, còn anh sẽ thực thi vì tiền để hoạt động ở miền Nam. Anh ta đưa luôn ra một tờ giấy biên nhận có con dấu không có quốc huy.
Trước sự mập mờ với số tiền quá lớn ông không đợi gặp đối tác mà bay ngay ra Hà Nội để hỏi, nhưng giám đốc đang bận đi công tác nước ngoài. Ông hồi hộp đợi cả tuần nhưng khi giám đốc về không hề nhắc tới chuyện này. Ông hiểu: không nên hỏi.
Chuyện trên bà chỉ biết lơ mơ nhưngviệc sau đây thì biết rõ vì tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Phùng Hưng là em ruột bà.
Phó giám đốc được lệnh ra Đông Bắc xin đất xây dưng cho cơ quan với thư tay của giám đốc. Địa phương đã cấp cho một khu rộng đến nửa héc-ta. Đang loay hoay tính toán thì tổng giám đốc Phùng Hưng tìm đến đưa ra một bản quy hoạch đã vẽ sẵn nói là giám đốc đã xem. Khối nhà và khu kỹ thuật gọn gàng trong nửa khu đất. Ông đánh dấu hỏi vào cái nửa bỏ trống nhìn ra biển. “Thì tôi đã xử lý mặt bằng, làm toàn bộ tường bao và có thể cả cái vỏ công trình chính. Cứ yên trí đi!” Ông Phùng Hưng nói. Ông chặc lưỡi: “Cứ phải hỏi lại giám đốc đã!”. Về đến cơ quan, ông được cử gầp đi tham quan học ở tập nước ngoài, chẳng thấy hỏi đến chuyện Đông Bắc.
Nhưng chuyện này mới làm bà tràn hông. Phó giám đốc đã gạt khỏi danh mục trang bị kỹ thuật phục vụ chỉ đạo tại gia: ba trong bốn cái ti-vi có cái gắn đến tận bếp, dàn xít-tê-ri-ô Haiphai, bốn trong sáu cái điện thoại kéo tới tận nhà vệ sinh, bốn cái tủ quần áo và cả cái vét-pa. Càng tràn hông khi tý nữa thì đức ông chồng tăng-xông. Suýt tăng-xong vì cờ tính đến thế mà lại bị chiếu ngược.
*
Sau hai tháng đi học tập nước ngoài về, ông được cơ quan điều tra triệu tập. Theo thư “quần chúng”, việc ở T. được lật lại. Để khỏi ra toà vì tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, ông đành nhượng lại nhà, xin nghỉ một cục lấy tiền khắc phục hậu quả; rồi ra cột điện kỳ cạch chữa xe đạp nuôi vợ con. Tay nghề kỹ sư, tính cẩn thận lại dễ dãi nên cũng đủ khách để sống. Chăm chắm làm ăn, tránh phiền hà mọi người, ông ngồi nép vào cột điện, ai nói cũng chỉ cười. Được cái, những người cùng được phân nhà dần dần chuyển đi ở nơi khác, khu tập thể vẫn mang tên khởi thuỷ nhưng người lạ ngày càng nhiều, đỡ phải ngượng với nhau.
Anh công an hộ khẩu một hôm được bà chủ biệt thự ra tận cổng mời vào nhà xơi nước. Chuyện dông dài rồi bà bảo:
-Trật tự khu tập thể rất tốt,chỉ có cái ông chữa xe đạp suốt ngày người tụ tập, dăng bày ảnh hưởng việc đi lại. Còn trưa thì kỳ cạch làm mọi nhà mất ngủ.. Đang có phong trào phố xá văn minh, đường thông hè thoáng phải không chú?
Anh công an biết bà muốn tống khứ ông chữa xe đạp, và vì sao anh cũng đã loáng thoáng được nghe. Kể ra ngồi chữa xe đạp ở đấy quy vào chuyện làm hè không thông, đường không thoáng cũng được. Nhưng ngay cạnh đó là cả dãy ki-ốt với đủ loại cửa hàng, dịch vụ, hai trạm rửa xe lênh láng nước, lại cửa hàng bia ngầu pín chiều chiều đông nghịt khách. Anh biết chẳng dễ gì dẹp hội này vì họ có những cơ sở rất vững chắc dưới khẩu hiệu rất nhân đạo: “Cuộc sống người ta”. Mà cái ông chữa xe đạp này thật hiền, thật biết điều ai cũng mến, đến đầu gấu còn cảm kích. Trẻ con thì rất mê ông. Học sinh gọi ông là từ điển tiếng Anh, bách khoa toàn thư vì câu hỏi toán lý hoá, văn sử địa nào ông cũng giảng được. Chính con trai anh nói với anh: nghe ông giảng cụm từ Who is Who mà bài kiểm tra tiếng Anh của nó được điểm Mười. Nó còn bảo: Cô giáo cứ lẩm bẩm: “Ai là ai... tuyệt”.
Dăm ba lần nhắc không hiệu quả, bà giám đốc lắc đầu: “Chán cho công an bây giờ! Thật vô trách nhiệm”.
Còn anh công an hình như cũng ngại gặp bà. Nhưng một hôm anh phải đến nhà bà cùng với mấy người nữa. Bà vội mở cửa ra đón thì nhận được cái phong bì, mở ra xem, mặt tái đi. Giấy mời ông giám đốc đến cơ quan điều tra về việc
đất đai ở Đông Bắc.
Anh công an ra về, đi ngang qua ông chữa xe đạp đang kỳ cạch chữa một cái xe ba bánh giữa lũ trẻ ngồi chầu. Anh lẩm bẩm: “ Hừ! Ai chẳng là ai thì là ma à?”./.