Ngày xưa, có một anh chàng không có tài nghệ gì cả, chỉ được cái hiền lành hay thương người. Từ lúc vợ chết, anh ta trở nên túng bấn tợn. Có dạo phải ngửa tay ăn xin. Thấy nghề này hèn hạ lại không nuôi nổi tấm thân, anh chàng mới xoay sang đi làm thuê. Nhưng chỉ làm được một ngày anh đã thấy mệt nhọc và bị chủ la mắng nhục nhã, nên lại dự định làm nghề đi câu là nghề anh cho là thong thả, tự do hơn. Chiều hôm đó, người ta trả công cho ba mươi đồng kẽm. Anh chàng bèn lấy số tiền đó làm vốn, mua lưỡi mua dây quyết chí làm ăn bằng nghề nghiệp mới.
Sáng hôm sau, anh ra ngồi ở bờ sông câu cá. Nhưng mãi đến trưa chả kiếm được một tý gì. Mồi cứ mất toi. Mãi đến chiều mới thấy phao chìm xuống, anh giật lên thì được một con rắn nước. Lấy làm bực mình, anh chàng gỡ con rắn ra rồi quẳng xuống sông. Lần thứ hai giật lên thì lại chính con rắn nước hồi nãy mắc vào lưỡi.
Anh than thở với rắn: - "Rắn ôi! Tao nghèo lắm, chỉ được ba mươi đồng kẽm thôi. Mày đừng hại tao hết cả mồi, rồi đây biết lấy gì kiếm ăn". Anh chàng lại quẳng rắn xuống nước. Lần thứ ba cũng lại con rắn đó mắc lưỡi câu. Lần này hắn giận lắm, không thả con rắn xuống nước nữa mà nắm lấy cổ rắn định mang đi giết. Qua cửa đền bà thần Khai Khẩu, tự nhiên con rắn nước kêu lên:
- Đừng giết tôi, tôi là con vua Thủy phủ. Vì muốn đánh bạn với anh nên mới tự cắn câu nhiều lần như thế. Hãy cho tôi đi theo, tôi sẽ giúp anh vượt qua cảnh nghèo.
Anh nghe lời, cho rắn theo mình. Từ đó anh câu được nhiều cá: thứ ăn, thứ bán, cuộc sống rất dễ chịu. Anh chàng với rắn ngày một tương đắc.
Một hôm rắn cho anh biết chỉ ba ngày nữa sẽ có một trận lụt lớn xưa nay chưa từng có. Anh nghe lời rắn đóng một chiếc bè nứa để phòng tai nạn. Anh lại còn loan báo cho mọi người xung quanh biết. Nhưng chả một ai thèm nghe. Ba ngày sau, quả nhiên gió bão nổi lên đùng đùng, mưa to như trút, nước dâng lên như biển cả.
Người, vật, đồ đạc và mùa màng,... đều trôi băng băng mất tích.
Mãi đến ngày cơn bão tạnh, anh mới dám chống bè tìm về chốn cũ.
Thấy một cái tổ kiến đang lênh đênh trên dòng nước, con rắn bảo anh chàng:
- Anh hãy cứu chúng nó 1 chút.
Anh trả lời:
- Vớt làm gì bầy kiến nhỏ mọn ấy để chúng bò khắp bè.
Nhưng rắn khẩn khoản:
- Không, anh hãy nghe lời tôi đi. Rồi chúng nó sẽ trả ơn anh.
Nghe lời rắn, anh chàng vớt cái tổ kiến lên bè của mình.
Đi được một đoạn, lại gặp một con chuột đang lội bì bõm sắp chết đuối. Rắn lại giục anh vớt lên. - "Ồ, - Hắn đáp - Con chuột thì cho nó chết chứ cứu nó mà làm gì" - "Không, anh hãy nghe tôi đi. Rồi nó sẽ trả ơn anh". Nghe lời rắn, anh chàng vớt con chuột lên bè của mình.
Đến một chỗ khác, họ lại gặp một con trăn đang nằm cuộn tròn trên một ngọn cây giữa dòng nước đợi chết. Rắn cũng giục anh giúp trăn thoát nạn. - "Ồ - hắn đáp - Con trăn kinh lắm, cứu nó mà làm gì?" - "Không, anh hãy nghe tôi đi. Rồi nó sẽ trả ơn anh". Nghe lời rắn, anh chàng lại giúp cho con trăn lên bè.
Sau cùng họ gặp một người đàn ông đang bám vào một cây gỗ nổi bập bềnh giữa dòng nước. Anh không đợi rắn bảo, định vớt lên bè, nhưng con rắn cản lại:
- Anh đừng vớt nó lên làm gì, nó sẽ làm hại anh đấy.
Anh đáp:
- Người ta thường nói cứu một người dương gian bằng một ngàn âm ty. Sao lại chỉ cứu vật mà không cứu người kia chứ.
Nói đoạn, mặc kệ lời rắn can ngăn, anh nhất định thực hiện ý nghĩ của mình, vớt người sắp chết đuối đó lên bè, cho sưởi lửa ấm và cho ăn uống tử tế.
Sau mấy ngày nước rút đi hết, anh thả tất cả những con vật lên bờ. Còn người nọ vì gia đình phiêu bạt, nhà cửa trôi mất cả nên anh cho ở lại với mình cùng câu cá nuôi nhau và coi như em ruột.
*
* *
Đến lúc con rắn nước trở về Thủy phủ thì nó mời anh cùng đi theo xuống giang sơn của cha mình. Dọc đường, rắn bảo bạn: - "Nếu cha tôi có cho gì thì anh nhớ đừng nhận, mà chỉ xin lấy cây đàn thất huyền. Đàn ấy nếu có giặc, gảy một bài là có thể làm cho giặc phải tan". Vua Thủy thấy có bạn của con tới chơi lấy làm mừng rỡ, đãi anh chàng rất hậu. Khi vua Thủy sai quân hầu mang vàng bạc châu báu đến biếu, anh nhớ lời rắn cố khước từ, chỉ xin có mỗi một chiếc đàn thất huyền. Vua Thủy nể chàng, thuận cho ngay. Anh trở về cõi đất, quý chiếc đàn vô hạn.
Một hôm anh có việc phải đi xa. Trước khi đi, anh giấu chiếc đàn thần dưới cót thóc, dặn người bạn chớ có bén mảng đến chỗ cót thóc đó. Nhưng người kia nghe dặn, đồ rằng dưới ấy tất có vật quý bèn cố công kiếm tìm, quả bắt được cây đàn. Hắn đã biết sự mầu nhiệm của cây đàn ấy bèn lấy trộm rồi trốn đến kinh đô để lập công danh.
Hồi ấy quân đội nhà vua phải đối địch với một nước láng giềng luôn luôn kéo quân sang quấy nhiễu bờ cõi. Hắn vào xin vua đi tiễu trừ giặc dữ. Nhờ có chiếc đàn thần, hắn đã làm cho quân đội của đối phương thua liểng xiểng. Lúc thắng trận trở về, hắn được nhà vua hết lời khen ngợi, phong làm đại tướng, ban lộc rất hậu. Được giàu sang, hắn không còn nghĩ gì đến ân nhân của mình nữa. Nhà vua toan gả con gái cho đại tướng nhưng vừa hứa hôn thì bỗng dưng công chúa bị câm. Vì thế hôn lễ đành phải hoãn lại chờ lúc công chúa lành bệnh mới cử hành.
Lại nói chuyện anh chàng câu cá, khi trở về thấy mất bạn lại mất cả cây đàn thất huyền thì vội bỏ nhà đi tìm. Vào đến kinh đô, một hôm anh gặp người kia bây giờ đang ngồi trên kiệu sơn son thiếp vàng, có quân gia theo hầu đông nghịt. Anh đón kiệu lại, cất tiếng hỏi thăm bạn cũ. Nhưng người kia vừa gặp ân nhân của mình đã vội thét lính bắt trói lại. Thế rồi, để khỏi lộ chuyện, hắn vu cho anh làm giặc, sai nhốt một chỗ kín đáo, không cho ăn, để chờ ngày đưa ra pháp trường.
Trong ngục tối, giữa khi anh chàng đang than thân trách phận thì bầy kiến ngày xưa đã tìm được cách lọt vào hỏi thăm: - "Tại sao ông bị giam ở đây?". Anh chàng ngơ ngác không hiểu tiếng ai hỏi mình, bèn hỏi lại: - "Ai đó? Tại sao tôi chỉ nghe tiếng mà không thấy người?" - "Chúng tôi là bầy kiến mà ông cứu khỏi nạn lụt ngày xưa, hiện đang ở dưới chân ông đây." Anh chàng cúi xuống tìm kiến rồi kể chuyện cho kiến nghe nông nỗi của mình. Kiến nói: - "Chúng tôi không thể làm được gì nhưng để chúng tôi đi kiếm con chuột ngày ấy, may chuột có kế gì chăng".
Lũ kiến bèn chia nhau mỗi con một phương đi kiếm chuột và báo tin không may của ân nhân cho chuột biết. Chuột bảo: - "Bây giờ chắc ông ấy đói lắm, để tôi mang vào ngục một ít thức ăn đã. Rồi tôi sẽ đi kiếm con trăn xem thử nó có mưu mẹo gì chăng". Chuột liền đưa khoai và bánh lấy trộm được của một nhà hàng vào ngục cho anh chàng ăn. Anh tỏ lời cảm ơn. Rồi cả gia đình nhà chuột lại kéo nhau đi tìm trăn. Lúc sắp đến nhà trăn, cả bầy chuột sợ trăn ăn thịt bèn trèo lên cây cao gọi xuống: - "Bác trăn ơi! Bác trăn ơi!" Khi trăn ra, một con chuột già đánh bạo đánh bạo xuống kể chuyện cho trăn biết. Trăn nhả ra một viên ngọc bảo chuột đưa về cho ân nhân mà rằng: - "Viên ngọc này mài ra thành bột có thể chữa lành câm. Ân nhân của chúng ta có thể đem chữa bệnh cho công chúa và nhờ đó mà thoát nạn".
Khi được ngọc, anh chàng gọi người cai ngục đến nói mình có phép cứu công chúa khỏi câm. Người ta dẫn anh đến trước vua. Quả nhiên sau khi công chúa uống nước ngọc mài bỗng nói được, và câu đầu tiên của nàng là đòi lấy người cứu mình làm chồng. Vua rất khen ngợi, hỏi anh ta làm sao có thứ thuốc thần diệu đến thế.
Anh chàng kể lại đầu đuôi câu chuyện, từ lúc câu được rắn, cứu được các con vật và người, cho đến lúc bị người phản bội, còn các con vật lại tìm cách trả ơn, trong đó có con trăn cho mình viên ngọc quý. Vua nghe xong tắc lưỡi: - "Thật là bụng dạ con người sâu hiểm hơn cả những con vật nguy hiểm". Lập tức vua sai lính bắt giam tên đại tướng bất nghĩa kia để chờ ngày phán xử. Còn anh chàng đi câu được vua cho làm quan và gả công chúa. Anh ta sống một cuộc đời sung sướng hơn trước[1].
Ngày nay, câu Cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán dùng để mỉa mai những người lấy oán trả ân, thua kém cả loài vật.
Ở Hà-tĩnh có truyện Bạc hơn cầm thú, nội dung tương tự:
Một người nghèo làm nghề bắt ếch. Một hôm bắt được một con ếch lớn. Sắp làm thịt, bỗng nghe ếch nói: - "Xin ông làm phúc tha cho. Tôi sẽ biếu ông một vật quý". Dứt lời, ếch nhả ra một viên ngọc và nói hễ ai nhắm mắt, tắt hơi, mài ngọc này cho uống thì sẽ sống lại.
Từ đó anh câu ếch dùng ngọc cứu sống được rất nhiều người và vật. Trong số những người được anh cứu có một người nhà giàu chết đuối. Được sống lại, hắn tình nguyện làm con nuôi của anh.
Tiếng tăm anh câu ếch truyền đi xa rộng. Ngày nọ, nghe tin vua sắp băng hà, anh toan đem ngọc cứu vua, nhưng thằng con nuôi đã ăn cắp ngọc vào kinh. Hắn chữa cho vua sống lại và biếu luôn vua viên ngọc nên được vua cho làm quan. Đến đây câu chuyện giống truyện Cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán. Sợ việc làm của mình bị bại lộ nên tên con nuôi bắt anh câu ếch giam lại, không cho ăn uống gì cả. Các loài vật được anh cứu sống thấy thế bèn họp nhau lại tìm cách cứu ân nhân. Chim cu báo tin cho biết là ngọc đã vào tay vua. Vua ban ngày thì kẹp vào nách, ban đêm thì nhét trong lỗ mũi. Chuột bèn tình nguyện bò vào chỗ vua ngủ, dùng đuôi ngoáy vào lỗ mũi làm vua hắt hơi, viên ngọc văng xuống nền nhà. Rắn đã chực sẵn đớp lấy đưa về cho anh câu ếch.
Thế rồi rắn lại trở vào cung cắn chết vua. Giữa lúc trong cung đang nhốn nháo vì vua tắt hơi thì chim cu đến nóc điện gáy lên mấy tiếng: - "Cục cù cu, thằng tù có thuốc,..." Thế là triều đình mở ngục cho anh câu ếch vào chữa. Vua quả sống lại, còn đứa con nuôi phản bội thì vua giao cho anh câu ếch phân xử. Anh ta tha tội cho hắn, nhưng về đến nửa đường hắn bị sét đánh chết[2].
Ở Nghệ-an có người kể đoạn sau của truyện này là:
Sau khi thấy ân nhân của mình bị bắt, chó và chuột tha thức ăn vào cho ăn. Vừa khi có giặc, vua sai rao ai đánh đuổi được thì phong quận công. Chuột bảo ân nhân hãy nhận lời rồi gọi con rắn và bầy ong (mà ân nhân cứu sống trước đây) đi theo giúp đỡ. Người câu ếch lên đường sau khi xin vua cho mình 10 vò mật, 10 bình nước và 10 lồng cóc (nhưng người kể lại không nói rõ công dụng của những vật có số lượng giống nhau này). Khi xông trận, rắn kêu bạn bè tới, mỗi con quấn vào chân một tên giặc, ong cũng xua bộ hạ xông ra đốt vào mắt giặc. Trong khi đó anh câu ếch tiến công và kết quả thắng lớn[3].
Hai truyện trên phần đầu giống với phần đầu truyện Trạng Ếch (xem Khảo dị truyện số63) còn phần cuối lại giống truyện Thạch Sanh (số 68).
Một truyện khác nhan đề là Rắn, chuột trả ơn, cũng bắt nguồn từ hai truyện trên mà ra, nhưng không có nhân vật phản diện:
Ở phường Yên-phụ (Hà-nội) có một ông già nghèo sống ở một cái lều ngoài đê. Nước lụt lớn, ông gác sàn để ở. Thấy có một con rắn và một con chuột ngoi ở bụi cây, ông vứt cơm cho ăn, nhờ thế chúng khỏi chết. Hết lụt, rắn bảo chuột đục kho nhà vua lấy 50 hũ vàng đem bảo trước sân nhà ân nhân. Ông già cất hũ chưa kịp giấu kín, thì bị quan coi kho dò tìm bắt được và đem bỏ ngục. Đêm đến, rắn bèn bò vào cung cắn vào bụng vua rồi cho ông già một thứ thuốc chữa. Vua quả lành, hỏi ra đầu đuôi và ban thưởng cho ông già rất hậu[4].
Truyện Cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán của ta có phần giống với truyện cũng nhan đề đó của Trung Quốc:
Có ông cụ già một hôm tiếp đón rất cung kính một nhà sư đến quyên giáo. Sư bảo cho biết là lúc nào con sư tử đá trước đền gần đấy khóc chảy máu mắt thì sẽ có một trận lụt kinh khủng, vậy phải gấp rút chuẩn bị lánh nạn. Sư còn viết mấy câu vào giấy đại ý bảo gặp vật thì cứu nhưng gặp người thì đừng vì nó sẽ gây ra tai vạ cho cụ.
Ông cụ lo sắm thuyền bè, lại báo cho mọi người biết nhưng họ chỉ cười nhạo. Một người hàng thịt muốn chọc chơi, một hôm lấy huyết lợn bôi vào mắt sư tử. Thấy vậy ông cụ hối hả chuyển đồ đạc xuống thuyền. Không ngờ trời quả làm mưa lụt rất lớn đến nỗi người, vật, của cải,... trong vùng đều trôi theo dòng nước.
Trong mấy ngày lánh nạn, ông cụ vớt được một con khỉ. Tiếp đến vớt một ổ quạ. Nhưng ông cụ không nghe lời nhà sư dặn, cứu một người sắp chết đuối và nuôi làm con nuôi.
Một đêm, một vị thần báo mộng cho ông cụ biết chỗ chiếc nhẫn của hoàng hậu đánh rơi và dặn ông cụ cho con vào kinh tìm mà lĩnh thưởng. Hùng Liêu - đứa con nuôi ông cụ - xin đi thay. Hắn đến và làm xong việc, được vua cho làm quan tại triều.
Thấy Hùng Liêu không về, ông sai con trai đi tìm. Không ngờ khi gặp, Hùng Liêu sai bắt giam con ông cụ lại, không cho ăn. Khỉ nghe tin, trèo vào ngục đưa hoa quả cho anh rồi tiếp đó quạ lại đưa thư của anh về cho cha hay.
Ông già vào kinh giãi bày nỗi khổ với Bồ công là thượng thư bộ Hình. Sau cuộc điều tra, Bồ công mời Hùng Liêu tới dự 1 bữa tiệc chỉ có nước lã thay cho rượu. Thấy Hùng Liêu trách, Bồ công nói: - "Uống một vài chén nước chả hơn là uống cả một bụng nước ở sông Hoàng-hà ngày xưa ư?". Hùng Liêu toan gây sự nhưng cha nuôi hắn đã bước ra vạch mặt hắn. Hắn cúi đầu nhận tội và sau đó quan tước của cải của hắn lại chuyển sang tay cha con ông cụ[5].
Người Lào có truyện Con rùa vàng cũng tương tự với truyện của ta nhưng thay vào rắn nước là một con rùa:
Một đôi vợ chồng già không con. Một hôm vợ câu được một con rùa vàng. Quẳng đi mấy lần rùa vẫn mắc câu. Rồi đó, hai vợ chồng giữ rùa làm bạn. Một hôm rùa báo tin mưa lụt: hai vợ chồng theo lời rùa cứu một con hổ, tiếp đến một con rắn, nhưng họ lại quyết chí cứu một người sắp chết đuối trái với lời rùa.
Nước rút, hổ và rắn trở về chỗ cũ. Sẵn gặp khi có nàng công chúa đi thăm bà hoàng nước bạn, qua một khu rừng nghỉ lại, hổ bèn cắp lấy hộp nữ trang của công chúa đưa cho hai vợ chồng để trả ơn. Họ bày đồ nữ trang giữa nhà khoe với mọi người. Anh chàng được cứu thấy thế đi báo vua lấy công. Rắn nghe tin vợ chồng ông già bị hạ ngục bèn mò vào cung châm nọc vào mắt làm cho công chúa bị mù. Thấy con đau đớn, vua hứa sẽ chia nửa nước cho ai chữa được. Tất cả thần dân đều phải đến chữa. Đến lượt hai vợ chồng già, rắn trao cho một thứ rễ cây thuốc. Nhờ đó họ làm cho mắt công chúa sáng lại và được vua cho trị vì nửa nước[6].
Truyện của người Xi-xin (Sicile) hơi khác một ít: Một hoàng tử đi săn rơi xuống một hố sâu trong đó có một con sư tử và một con rắn. Một người đốt than đi qua. Hoàng tử kêu cứu, hứa sẽ chia cho một phần ba tài sản. Người kia tìm cách đưa cả lên bờ. Sư tử biếu anh chàng một miếng thịt nai ngon để trả ơn. Con rắn biếu một viên đá quý. Nhưng khi người đốt than đến hoàng cung nhắc lại lời hứa với hoàng tử thì bị đuổi. Nhờ vua cha bắt gặp biết chuyện nên vua bắt hoàng tử phải giữ lời hứa.
Ở truyện của người Ý (Italia) thì người rơi vào hố không phải là hoàng tử mà là một ông chúa. Ở đây cũng có một con sư tử, một con rắn và cũng gặp một người đốt than. Chúa hứa thưởng cho ân nhân 500 đồng (ta-lăng). Nhưng khi anh đốt than tới Vơ-ni-dơ để lĩnh thưởng thì bị ông chúa vu cho là điên, sai bắt bỏ ngục. Anh trốn thoát, và cũng gần như truyện Trung-quốc, đến tòa trình bày với quan tòa rồi lấy hòn đá quý của rắn cho làm chứng, lại dẫn quan đến chỗ ở của sư tử và rắn để thấy được lòng biết ơn của hai con vật. Quan tòa buộc ông chúa phải trả tiền cho anh như đã hứa và còn phải bồi thường thiệt hại cho anh.
Người châu Phi[7] cũng có truyện tương tự: Một người kéo ra khỏi hố một con chuột, một con rắn và một người đàn bà. Để trả ơn, chuột đào hang vào cung vua lấy đồ quý ra biếu ân nhân. Người đàn bà trái lại, tố cáo ân nhân ăn trộm đồ quý nên vua bắt người kia hạ ngục. Rắn nghe tin, làm cho người con vua phải đau rồi bày cho ân nhân phương pháp cứu chữa. Nhờ đó anh được tha bổng.
Các dân tộc Ấn-độ (Pendjab), Brơ-tông (Breton), An-ba-ni (Albanie), Hy-lạp (Grèce), Nga, người Mác-din (Mesopotamie), các dân tộc nói tiếng Ả-rập, người Ca-ri-en (Cariels) (Miến-điện) đều có truyện gần giống với truyện Bạc hơn cầm thú của ta. Đại thể nhân vật chính của truyện làm chủ một chiếc nhẫn thần (hay một viên ngọc). Nhẫn này sau nhiều phen thăng trầm bị một nhân vật phản diện cướp đi. Nhưng nhờ có ba con vật mà nhân vật chính từng cứu giúp, nên lấy lại được. Tất cả các truyện đều có hình ảnh con chuột, trong đêm tối thò đuôi ngoáy vào mũi kẻ thù của ân nhân làm hắn hắt hơi, chiếc nhẫn hắn giấu trong mồm văng ra nhờ đó lấy lại được[8].
Người Triều-tiên có truyện Ông lão lái đò cũng cùng một mô-típ nhưng cách cấu trúc hơi khác:
Một ông lão lái đó lần lượt vớt một con rắn, rồi một con dê sắp chết đuối ở sông. Dê cũng như rắn chạy thẳng vào rừng.
Một ngày mùa đông có một con dê chạy đến trước mặt ông lão lấy chân cào cào vào đất. Ông lão bảo một người đi đường đào lên. Đào quả được vàng, ông lão chia hai, cho hắn một nửa, nhưng hắn đòi cả, cho đó là trời cho mình. Cãi nhau chán đưa lên tòa. Tòa xử vàng về người đi đường, lại giam ông lão vì tội nhận xằng. Một con rắn đến cắn sưng chân ông lão, rồi lại tha một thứ lá cây rịt vào khỏi ngay. Rắn lại đến cắn vào chân vợ quan tòa làm mụ sắp chết. Lính gác ngục mách cho quan tòa biết ông lão cũng bị rắn cắn mà chữa được lành. Quan đòi ông lão đến chữa cho vợ, sau khi vợ lành, hỏi ông: - "Vì sao biết chữa lành?" - "Vì con rắn mang lá đến". - "Tại sao rắn lại mang lá đến?". - "Vì tôi cứu nó khỏi chết đuối". Nói rồi ông lão kể lại câu chuyện cũ. Quan hỏi: - "Thế dê có trả ơn ông gì không?" - "Chồng nó đến chỉ vàng cho tôi, nhưng quan lại xử cho người đi đường được vàng, còn tôi thì bị giam".
Quan sai đòi người đi đường bắt trả lại vàng[9].
Tất cả những truyện trên có lẽ bắt nguồn từ những truyện của Ấn-độ còn chép trong sáchNăm sách dạy trẻ (Panchatantra):
Một người Bà-la-môn qua một khu rừng, thả xuống giếng một cần song để múc nước. Tự nhiên từ cái cần trèo lên một con khỉ. Nó bảo dưới giếng còn có một con hổ, một con rắn và một người thợ kim hoàn nhưng chỉ nên đưa hai con vật kia lên mà bỏ con người lại vì nó không tốt. Người Bà-la-môn không nghe, tìm cách cứu lên tất cả. Ít lâu sau, ông đi qua rừng, được hổ trả ơn bằng cách biếu một hộp nữ trang của một công chúa mà nó đã ăn thịt. Ông đưa đến người thợ kim hoàn kia nhờ đúc. Nhưng người này tố cáo với vua và người Bà-la-môn liền bị bắt. Bấy giờ rắn tìm vào buồng vua cắn cho một công chúa ngã xuống bất tỉnh nhân sự. Tất cả các thầy thuốc đều bó tay, chỉ trừ người Bà-la-môn, nhờ rắn chỉ cho cách chữa. Sau đó vua gả công chúa cho ông làm vợ và bắt tội người thợ kim hoàn.
Trong Lục độ tập kinh có hai truyện:
1. Ở vương quốc Ma-thiên-la có ông vua đi tu trong rừng trên 30 năm thành sư. Một hôm có người đi săn rơi vào hố sâu; một con quạ và một con rắn sợ hãi cũng rơi luôn xuống. Thấy chúng kêu cứu, sư cầm đuốc soi rồi dòng dây cho lên. Lên được rồi, cả người và vật lạy tạ hứa sẽ đền ơn. Người đi săn mời đến nhà để hắn dâng cúng. Quạ nói: - "Tôi tên là Bạt, nếu gặp việc gì khó, gọi tôi sẽ đến". Rắn cũng nói: - "Tôi tên là Trường, gặp nguy thì cứ gọi tôi".
Sau đó sư đến nhà người đi săn. Trông thấy ân nhân từ xa, người đi săn bảo vợ: -"Mình hãy làm một bữa cơm ngon để đãi sư, nhưng cứ làm dềnh dàng cho quá bữa, ông ta sẽ không ăn". Quả nhiên vì quá bữa nên sư cáo về. Dọc đường gặp quạ, sư gọi tên. Quạ đáp xuống hỏi sư đi đâu. Đáp: - "Đến nhà người thợ săn". - "Đã ăn gì chưa?". - "Họ có dọn nhưng quá bữa, ta không chờ được". - "Nó có thực bụng đâu. Tôi không có gì, nhưng ông cứ chờ đây". Nói rồi, quạ bay đến vương quốc Ban-thử, vào hậu cung thấy vợ vua đang ngủ say, bèn cắp lấy hòn ngọc để trên đầu, tha về cho sư.
Vợ vua tỉnh dậy thấy mất ngọc, báo cho chồng biết. Vua bố cáo cho thiên hạ ai tìm được sẽ thưởng 1.000 vàng, 1.000 bạc, 1.000 bò, 1.000 trâu, nhưng nếu ai giấu sẽ giết cả bà con. Sư cho người đi săn hòn ngọc ấy. Hắn bèn trói sư lại báo cho vua biết. Vua hỏi sư vì sao có ngọc? Sư nghĩ rằng nếu nói thật thì quạ sẽ tiệt nòi, nếu nói mình lấy thì không xứng đáng là con Phật. Bèn nín lặng, chịu hàng ngàn đòn roi tra tấn. Sau cùng vua sai chôn sư chỉ chừa có cái đầu, ít hôm nữa sẽ chém. Sư cầu cứu rắn, rắn đến bảo: - "Tôi sẽ cắn hoàng tử - đứa con độc nhất của vua, rồi tôi mang thuốc đến đây, ân nhân xin chữa, chữa lành sẽ được tha". Hoàng tử bị rắn cắn chết. Vua cho rao ai chữa sống lại được sẽ được ban nửa nước. Lúc người ta mang xác hoàng tử đi qua chỗ nhà sư đang chịu cực hình, sư xin cho mình chữa. Chữa lành, vua y ước chia cho nửa nước. Thấy sư từ chối, vua nghĩ: - "Một nửa nước mà chối thì sao có thể là kẻ ăn trộm ngọc được". Vua bèn tới hỏi: - "Ông là ai mà lại đi tu?". Sư kể lại sự thật. Vua khóc. Cho gọi người đi săn bảo đem bà con đến để lĩnh thưởng. Khi họ đến, vua phán: - "Lòng độc ác và vô ơn là tội nặng nhất". Sai chém tất cả.
2. Bồ-tát là người giàu có lớn, một hôm đi chợ thấy có một người bày bán một con rùa, bèn lại hỏi giá. Biết Bồ-tát giàu có, người ấy đòi một triệu đồng nếu không thì đem rùa về làm thịt. Bồ-tát bằng lòng mua, băng bó cho rùa, rồi thả xuống sông. Ít lâu sau, rùa báo tin cho Bồ-tát phải sửa soạn tàu bè, sẽ có trận lụt lớn. Bồ-tát tin cho vua hay để đưa đồ đạc, kho tàng lên cao. Đến ngày lụt, rùa đến với Bồ-tát. Thuyền chèo đi, cứu được một con rắn, rồi một con chồn. Sắp cứu một người thì rùa cản lại. Hỏi: - "Sao lại cứu vật mà không cứu người?". - "Rồi sẽ hối cho mà xem". Nước cạn, rùa về. Rắn, chồn cũng mỗi con một ngả. Chồn tìm được 100 cân vàng trong lỗ chôn, đưa tặng Bồ-tát. Người được cứu đòi phải chia cho hắn một nửa. Bồ-tát nói là để cho người nghèo, chỉ chia cho hắn 10 cân. Hắn tố cáo lên quan. Bồ-tát bị bắt. Ở đây rắn cũng cho một vị thuốc chữa rắn cắn, rồi đi cắn chết hoàng tử và cuối cùng Bồ-tát cũng được vua tha vì chữa lành. Truyện kết thúc bằng sự trừng phạt tên vô ơn, còn Bồ-tát thì trở thành cố vấn của nhà vua.
Một truyện thứ ba cũng từ kinh Phật mà ra:
Bốn con vật: một sư tử, một rắn, một chuột, một chim cú rơi vào một hố sâu cùng với một người đốn củi. Tất cả đều được một người đi săn cứu lên. Để trả ơn, sư tử tặng một con nai, chim cú tặng một chuỗi hạt lấy của vợ vua Điều Đạt. Do người được cứu tố giác nên anh thợ săn bị bỏ ngục. Con rắn bèn cắn vua, người thợ săn được chuột đến bày cho cách chữa, anh vào cung xin chữa và cuối cùng được tha[10].
Nhiều sách Phật khác, ví dụ kinh Ra-sa-va-ni-ni (Rachavanini) (tiếng Pa-li) (Pali) và kinh Các-ma-xa-ta-ca (Karmacataka) (tiếng Tây-tạng) cũng chép truyện này, bảo là từ miệng Phật nói ra để nhắc đến một hành động vô ơn bạc nghĩa[11].
Người ở Ta-phi-lét (Tafilelt) (Nam Maroc) có truyện Cây sáo và cái trống biết nói kết hợp truyện Cứu vật vật trả ân,...với truyện Nhà vua tai lừa. Đại thể là:
Xưa có một ông vua đầu mọc hai cái sừng mà dân không ai biết cả. Tóc mọc quá dài, vua muốn cạo nhưng chỉ sợ người ta biết. Cuối cùng vua sai tìm một phó cạo ở xứ khác đến hứa thưởng hậu để cắt tóc nhưng buộc phải thề tuyệt đối giữ bí mật. Phó cạo đồng ý, lúc đầu hắn giữ được bí mật, nhưng sau thấy khó chịu quá vì cái bí mật "lên đến tận môi" buộc phải nói ra. Bèn chạy ra ngoài thành, đến một cái giếng cúi xuống miệng giếng nói ba lần - "Nhà vua có sừng". Đoạn hắn mới yên tâm trở về.
Ngày ấy vua có hai đứa con: đứa đầu da đen, đứa thứ hai da trắng. Vua bảo chúng đi săn, hễ đứa nào bắt về được một con hoẵng và một con hươu thì sẽ truyền ngôi. Đứa da trắng không được gì bèn đón đường giết anh nó lột da treo lên cây rồi dắt các con vật do anh nó săn được về cung. Vua hỏi: - "Có thấy anh con không?". Hắn đáp bình tĩnh: - "Không".
Bấy giờ có một người hát dạo tìm đến thành phố ấy. Khi đi qua cái giếng nói trên, thấy một cây sậy đẹp, liền cắt làm ống sáo. Lại đi nữa, thấy có da treo trên cây bèn trèo lên lấy xuống bịt một cái trống. Lại đi nữa, đến một cái giếng khác, thấy một con sư tử, một con rắn và một người; cả ba đều tỏ ý cầu cứu, hứa sẽ hậu tạ. Anh dòng dây cho lên. Sư tử biếu một sợi lông, rắn biếu một miếng da lột, bảo: - "Khi cần đến chúng tôi thì đốt lên". Còn người thì khi lên khỏi giếng, lập tức đấm cho ân nhân mấy cái vào mắt, mũi và mồm rồi bỏ đi mất. Người hát dạo chùi máu, đi đến kinh thành ngồi thổi sáo. Bỗng sáo kêu lên: - "Vua có sừng" ba lần. Anh lại đánh vào trống, trống kêu vang: - "Em tôi cắt cổ tôi vì con hoẵng và con hươu con". Cảnh sát liền bắt anh đến cung vua, vua sai tống ngục. Anh đốt da con rắn để cầu cứu. Cũng gần như truyện trên, rắn đến bảo anh: - "Vua có một công chúa rất yêu dấu, mai tôi sẽ vào quấn cổ nó. Nếu vua cho người đi tìm người dỗ rắn, thì anh cứ nhận lời rồi vào bắt lấy tôi bỏ ở đồng, đừng sợ". Mọi việc xảy ra như lời rắn. Vua tha bổng cho anh nhưng bắt anh phải kể lại vì sao tìm được những nhạc cụ biết nói như vậy. Anh kể lại sự thật. Kể xong vua thưởng tiền, cho đi.
Sau đó vua cho đòi phó cạo ra tra hỏi. Thấy hắn chối, vua sai đưa sáo cho thổi. Hắn thú thực và xin tha vì cho rằng: - "Nói ở trong giếng không ai biết". Vua nói: -"Trời biết". Bèn giết hắn.
Vua lại cho đòi người con thứ đến hỏi: - "Anh mày đâu? Có phải mày đã giết anh mày không?". - "Không". - "Đánh vào trống đi". Nghe tiếng trống, hắn thú thực và nói: - "Con nghĩ rằng việc làm một mình như vậy thì không ai biết". -"Trời biết". Vua đáp. Cuối cùng vua cũng cho xử tù đứa con[12].
Một loạt truyện sau đây dường như là dị bản thoát thai từ truyện trên với hình tượng con rắn và viên ngọc (hay vị thuốc) tặng ân nhân.
Truyện của Thụy-sĩ (Suisse):
Một con rắn một hôm kéo chuông đặt trước cổng vua để kiện một con cóc vì cóc chiếm chỗ ở của nó. Ông vua xứ ấy vốn bị mù. Vua xử cho con rắn được kiện và ra lệnh giết cóc. Ít lâu sau con rắn biết ơn bò vào cung vua, mang trong mồm một hòn đá (la-pi-dem). Hòn đá ấy thả rơi trúng vào mắt vua làm cho mắt sáng lại[13].
Truyện người Bắc Ấn-độ:
Công chúa Phu-ăng bị dì ghẻ đem bỏ vào rừng sắp chết đói. Một hôm thấy một con rắn tìm đến cầu cứu và nói: - "Cứu ta, ta sẽ cho ăn". Công chúa lấy áo mình che chở cho rắn. Sau đó, có con chim ga-ru-đa (loại chim thù địch với loài rắn) tìm đến bảo công chúa: - "Thả đứa ăn trộm đây cho ta". Công chúa đáp: - "Không có ở đây". Khi chim bay đi chỗ khác, rắn tặng công chúa một hòn ngọc và bảo: - "Khi cần một cái gì thì san bằng một đám đất, đoạn, đặt ngọc lên mà cầu sẽ được như ý".
Truyện của người Xắc-xông (Saxon) ở Tơ-răng-xin-va-ni (Transylvanie):
Một người trẻ tuổi chuộc một con rắn từ tay bọn trẻ con đang hành hạ. Khi rắn lớn, nó nói: - "Tôi là con gái vua rắn; hãy trèo lên lưng, tôi mang đến gặp cha tôi, cha tôi sẽ thưởng hậu". Đến nơi, nhờ có rắn mớm, vua rắn tặng anh một viên ngọc sáng và một con ngựa trắng của mặt trời có tám chân. Con ngựa vừa chở anh đi vừa trở thành cố vấn của anh. Còn viên ngọc chiếu sáng cho anh trong một cuộc du lịch đến một nước nọ. Ở đây, anh phục vụ cho một ông vua. Nhờ con ngựa, anh chiếm được một công chúa xinh đẹp tóc vàng. Sau đấy diễn ra một cuộc chiến đấu giữa con ngựa của anh với con ngựa khác rất lợi hại của công chúa. Ngựa của anh được bọc một cái áo làm bằng bảy tấm da trâu. Ngựa của công chúa lần lượt làm thủng sáu tấm, nhưng đến tấm thứ bảy thì kiệt sức, bị ngựa mặt trời cắn ngã.
Truyện của người Xây-lan (Sri Lanka):
Một hoàng tử mua một con rắn để giải phóng cho nó, không ngờ rắn ấy là con Long vương (Na-ga). Rắn cũng đưa hoàng tử về nước mình, và dặn hoàng tử cố xin cha mình một cái nhẫn có đá quý. Với cái nhẫn này có thể cầu được ước thấy.
Ở truyện của người An-ba-ni (Albanie) thì con rắn bảo ân nhân phải xin cha nó những cái gì có ở dưới lưỡi. Người kia nhìn thấy tặng vật không phải là cái gì quý như hắn tưởng mà là một viên đá quý thì tỏ ý chán nản, nhưng khi vô tình cọ phải viên đá, bỗng thấy xuất hiện một hắc-nô nói: - "Thưa ông chủ, ông chủ muốn bất cứ việc gì, con xin tuân lệnh".
Truyện của người Nga:
Mác-tanh, con của một bà góa, đi qua một bãi cỏ đang cháy rần rật, ở giữa có một cô gái đẹp kêu cứu thảm thiết. Anh dập tắt lửa, cô gái biến thành rắn, nói: -"Cha tôi cai trị một vương quốc ở dưới đất, xin mời ân nhân theo tôi về chơi, và cố xin chiếc nhẫn mà ông ta đeo ở ngón tay út".
Truyện của người Đức:
Một kỵ sĩ cứu vua rắn ra khỏi lửa. Vua rắn bỏ vào miệng anh ta một mẩu rễ cây. Hắn nuốt vào, từ đấy hiểu tiếng loài vật.
Ở truyện của người Hy-lạp (Grèce) thì rắn đã chuyển thành cá:
Một người trẻ tuổi hàng ngày đi ăn xin ở bờ biển, thường ném bánh cho một con cá ăn. Một hôm, cá trả ơn: - "Hãy giơ ngón tay lên trước miệng tôi". Anh ta được cá nhả cho một hòn đá bé nhưng rất sáng. Hòn đá này ai ngậm vào miệng thì hiểu được tiếng loài vật[14].
(Về những truyện rắn đền ơn bằng cách truyền cho phép màu biết tiếng loài vật, xem Khảo dị truyện Sự tích con dã tràng, số 15, tập I).
Sách Sưu thần ký Trung Quốc (thế kỷ thứ V) cũng có kể truyện một ông quan, một hôm thấy ở bờ ruộng một con rắn bị thương. Ông dừng lại một lát để thăm rồi nhỏ vào miệng rắn một giọt thuốc mà ông ta mang theo. Lành rồi, rắn mang đến tặng viên quan một hòn đá quý.
Trong sách Dị uyển của Lưu Kính Thúc đời Tống cũng có nói đến truyện một con chuột biết ơn. Đời Cảnh Bình có lụt dâng lên xứ Đồng Dương, nhân dân dắt díu nhau chạy. Trong đó có một người là Thái Hỉ Phu dọn nhà lên một đống cao sau chùa. Ông thấy một con chuột to cũng tránh lụt trốn dưới giường. Thương hại cùng cảnh ngộ, ông không giết nó mà còn cho nó ăn thức ăn thừa. Sau đó trở về làng, con chuột mang đến cho ông một cái gói bọc giấy đỏ trong có nhiều hạt ngọc quý.
Tóm lại, loại truyện có hình tượng con rắn đền ơn kẻ cứu nó bằng cách tặng một viên ngọc quý (hay vị thuốc thần,...) hầu như phổ biến ở các dân tộc trên thế giới.
Cũng hình tượng cứu vật được ơn, còn có một loạt truyện của các dân tộc, nội dung nói về việc liều mình cứu những con vật gặp nạn hiểm nghèo mà không cần biết ơn, hoặc được trả ơn một cách vô tình. Các truyện này, theo nhà nghiên cứu truyện cổ tích Ben-phây (Th.Benfey) thì chịu ảnh hưởng của một phật thoại (Phật - tiền kiếp - cắt thịt mình cho một con chim cắt để chuộc đời sống một con bồ câu sắp bị cắt mổ).
Ví dụ truyện của Tiệp-khắc [cũ] (Tchécoslovaquie) ở Bô-hêm (Bohême) có kể một nhân vật cứu một tổ kiến sắp bị tiêu diệt vì nạn cháy. Lại giết con quạ của mình để nuôi hai con quạ bị đói. Rồi lại bỏ tiền chi tiêu đi đường để chuộc một con cá từ tay người đánh cá và thả nó về biển,...[15]
Đoạn nói về anh chàng xuống chơi thủy phủ, xem thêm truyện Thạch sanh (số 68), truyệnCon chó, con mèo và anh chàng nghèo khổ (số 92), và truyện Giáp Hải (số 149, tập IV).
Xem thêm một loạt truyện khác nói về việc cứu vật nhưng được trả oán trong Khảo dịtruyện Người học trò và con hổ (số 160, tập IV).
[2] Theo lời kể của người Hà -tĩnh.
[3] Theo Bản khai của thôn Hướng-dương. Trong phần cuối 1 truyện của đồng bào Tày,Chàng Ếch, có nói đến một chàng Ếch (không phải người câu ếch) cũng cứu nước khỏi nạn ngoại xâm. Thấy chỉ là một con ếch, vua thoạt đầu tỏ ra khinh thị, nhưng vì tình thế nguy ngập nên phong chàng làm tướng. Chàng Ếch chỉ xin một số vò mật và thịt trâu, bò, lợn. Chờ cho giặc tới cửa thành, chàng hóa làm người, phất cờ ra lệnh, tự nhiên có một đoàn quân hổ xông ra cắn xé quân giặc. Sau đó quân hổ hơi núng, lại một đoàn quân ong theo hiệu cờ xông ra cắn vào mặt mũi quân giặc còn lại. Cả hai đoàn góp sức làm nên chiến thắng. Thu quân, chàng Ếch đưa mật và thịt ra chiêu đãi ba quân hổ ong của mình và cuối cùng được vua cho cai quản cả nước. Cả hai truyện đều có những hình ảnh tương tự nhưng mở đầu thì khác nhau. Về truyện Chàng Ếch, xem Khảo dị truyện Lấy chồng dê (số 128, tập III).
[4] Theo sách Thỉnh văn dị lục.
[5] Theo Phụ nữ tân văn (1931).
[6] Theo Pháp Á tạp chí và Truyện dân gian Lào.
[7] Ở Côte des esclaces.
[8] Theo Cô-xanh (Cosquin). Nghiên cứu văn học dân gian (tìm hiểu sự thiên di của các truyện cổ dân gian và điểm xuất phát).
[9] Theo Ga-rin (Garine). Sách đã dẫn.
[10] Đều theo Sa-van-nơ (Chavanne). Năm trăm truyện cổ và ngụ ngôn trích từ Kinh Đại tạng Trung-quốc. Theo Sa-van-nơ thì kinh này được dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán vào khoảng năm 240-280.
[11] Sách Nghìn lẻ một đêm cũng có một truyện tương tự với truyện Cứu vật vật trả ân, cứu nhân nhân trả oán.
[12] Theo Báo Châu Á, đã dẫn, tập XIII.
[13] Trong một truyền thuyết về vua Pháp Sác-lơ-ma-nhơ (Charlemagne) có nói đến một con rắn biết ơn vua, tặng vua một hòn đá mầu nhiệm làm nhà vua có tình yêu không phai lạt với kẻ mình trao đá quý, nhưng vua thì không biết tác dụng của viên đá. Khi hoàng hậu chết, vua bỏ đá vào miệng hoàng hậu, vì thế vua không thể nào xa lìa được xác vợ, nên nhất định không cho chôn. Mãi sau khi ném hòn đá ấy xuống cái đầm, từ đó tình yêu của vua Ia-sa-pen (Aix la Chapelle) chuyển sang cái đầm này. Do đó nhà vua cho xây dựng kinh đô Ia-sa-pen (Aix la Chapelle).
[14] Đều theo Cô-xanh (Cosquin). Những truyện cổ tích Ấn-độ và phương Tây, đã dẫn.
[15] Ben-phây (Th.Benfey). Năm sách dạy trẻ.