Ngày xưa có hai vợ chồng một người lái buôn hương. Họ chưa có con cái gì cả. Chồng vắng nhà liên miên, chỉ thỉnh thoảng mới về một lần. Có lần chồng đi khá lâu. Vợ ở nhà lọt vào mắt một tên xã trưởng. Dựa vào quyền thế, xã trưởng tìm cách quyến rũ người đàn bà đó và cuối cùng hai người tằng tịu với nhau. Nhưng hắn rất khôn ngoan, thỉnh thoảng mượn cớ đi tuần đến với người đàn bà một lần. Vì thế trong xóm ngoài làng chả một ai ngờ cả.
Lần ấy ông lái hương mải mê buôn bán nên không tiện về nhà. Ông cất hàng đi rất xa và làm ra rất nhiều tiền. Sau ba năm, một hôm gần giỗ cha, ông mới sực nhớ đến vợ bèn thu xếp tiền nong tìm về quê cũ. Sắp về tới làng thì trời đã tối, ông sực nghĩ tới số tiền công lao mồ hôi nước mắt trong mấy năm trời: - "Ta đi vắng lâu quá! Không biết chừng ở nhà có sự thay đổi". Nghĩ thế, ông đem 120 lạng bạc trong bồ ra buộc làm một gói. Khi đến cây đa đầu làng, ông ta trèo lên và đem số bạc ấy giấu vào hốc cây. Ông khấn:
- Tôi là dân làng này, tôi làm ăn dành dụm được có chừng ấy, tôi gửi cho ngài, trăm sự nhờ ngài giữ hộ.
Vợ thấy chồng về lăng xăng cơm nước tiếp đón hết sức thân mật. Nhưng khi nhìn thấy chiếc bồ không, liền hết lời trách móc:
- Anh buôn thua bán lỗ làm sao mà bỏ vợ dại ở nhà ba năm đằng đẵng không đoái không hoài gì cả. Tiền nong anh vứt đi đâu? Trời ơi sao mà tệ thế!
Thấy tình hình không có gì đáng ngại mà vợ vẫn có vẻ một lòng một dạ với mình, người lái hương yên tâm, nên đêm ấy khi nằm lên giường, ông tỷ tê kể hết việc làm ăn khấm khá của mình cùng việc gửi bạc ở hốc cây đa đầu làng cho vợ nghe.
Không ngờ đêm ấy, xã trưởng theo thói quen tìm đến nhà nhân ngãi. Hắn quen chó, lại thuộc cách mở cổng nên chả mấy chốc đã lọt vào thềm nhà. Sắp bước vào buồng, hắn bỗng nghe tiếng trò chuyện nhỏ to. Biết là chồng cô ả đã về, hắn đứng lại nghe ngóng. Và khi biết rõ người lái hương giấu bạc ở cây đa, hắn mừng quá, vội lùi một mạch ra đầu làng, cuỗm ngay gói bạc. Hắn lấy một cách ngon lành, chả một ai biết cả.
Rạng ngày hôm sau, khi người lái hương ra lấy bạc thì ôi thôi, bạc đã không cánh mà bay mất tự bao giờ. Xót lòng vì mất của mà không biết kêu van với ai, ông ta đấm ngực kêu trời rất thảm thiết. Mãi về sau nghe tin gần miền có một ông Trạng xử kiện nổi tiếng, ông bèn chặt lấy một cành đa mang đến kiện với Trạng. Tuy thấy sự tình éo le, Trạng cũng nhận lấy cành đa rồi báo người lái hương về, sáng mai lại đến. Lập tức, Trạng sai quân hầu rào bốn bên cây đa lại, không cho một ai đến gần, rồi ngầm sai đào hố ở gốc, cho người xuống nấp dưới đó.
Sáng hôm sau, Trạng đến đóng dinh ở gần cây đa rồi trước mặt bàn dân đông đủ, Trạng bắt nguyên cáo và bị cáo ra đối chất. Cây nhận có giữ gói bạc nhưng không biết người nào lấy đi. Hỏi mãi cây vẫn không khai được một điều gì. Quân hầu của Trạng được lệnh khảo đả cây túi bụi. Mọi người đứng trước dinh Trạng đều nghe bị cáo van khóc rối rít. Mãi đến ngày thứ ba, bị cáo mới tả cho biết mặt mũi người ăn trộm, nhưng chỉ nói riêng cho Trạng nghe mà thôi. Liền đó, Trạng cho người lái hương về, ba ngày sau sẽ bắt tên trộm hoàn lại số tiền, nhưng trước đó phải dọn cỗ bàn tạ thần mình và mời làng nước đến ăn mừng về việc tìm lại được của. Trạng còn ghé tai dặn dò ông ta: - "Trong nhà có bao nhiêu chó dữ phải thả ra trong khi khách đến".
Người lái hương tin lời Trạng, về nhà mổ trâu khoản đãi bà con làng nước. Mỗi một người đến ăn cỗ lại làm cho mấy con chó cũi một phen sủa hết hơi. Duy chỉ có xã trưởng vì ba năm lui tới nên chó không còn lạ hơi nữa. Khi thấy mấy con chó vẫy đuôi mừng xã trưởng, lập tức những người của Trạng, trực sẵn ở sau nhà, bắt lấy giải đi.
Trước mặt Trạng, ban đầu xã trưởng chối lấy chối để. Nhưng sau thấy Trạng vạch tội hắn có ngành có ngọn và cho biết thêm là cây đã thú thật mặt mũi người lấy trộm như thế nên hắn đành cúi đầu nhận tội.
Ngày nay, người Nghệ-tĩnh có câu: "Kiện ngành đa" ý nói kiện một cách gián tiếp, nghĩa là kiện một sự việc này nhưng chính nhờ đó làm nảy ra ánh sáng một sự việc khác.[1]
Theo một người khác kể, thì truyện này không nói đến người nhân tình và vợ của người buôn hương, chỉ nói đến một người ngủ dưới cây đa với một tay nải. Tỉnh dậy, thấy mất tay nải, hắn bèn chặt một cành đa kiện với quan. Quan cũng sai bí mật đào hố ở sân, cho người nấp dưới đó rồi truyền lệnh cho người khảo đả cành đa. Trong khi dân chúng đứng ở phía ngoài xem đông như hội, thì ở trong này, cành đa cung xưng: "Xin quan tha đánh, tôi sẽ chỉ mặt tên phạm tội". Rồi nói tiếp: - "Tôi biết rõ mặt nó dù nó đứng lẫn vào đâu tôi cũng nhận ra được. Nhưng công bố tên nó ở đây thì rất xấu hổ, và nó sẽ bị quan trị tội. Ngày mai cũng vào hồi này, tôi sẽ mách tên nó, nếu nó không chịu thú với quan".
Trong số những người đi xem hôm đó có tên trộm. Nghe nói vậy, hắn sợ quá, vội mang tay nải của người kia, thừa lúc vắng, ném trả ở cửa công đường. Vì vậy ngày mai, quan hạ lệnh bãi cuộc tra.[2]
Trong Bao công kỳ án cũng có truyện Chôn tiền bị mất:
Có hai vợ chồng mới lấy nhau được một năm, chồng vì sinh kế, bỏ đi tỉnh khác làm công cho một hiệu buôn. Ba năm sau mới về với số tiền công của mình. Sắp tới nhà thì trời tối, sợ bị cướp giật nên đào hố chôn ở chân cầu thứ ba. Về nhà, thấy vợ ra vẻ lạnh nhạt vì không thấy tiền, chồng nói thật để lấy lòng vợ, không ngờ tình nhân của vợ đêm ấy nấp dưới giường nghe rõ cả, liền đi đào lấy về.
Sáng dậy chồng đến đào không thấy. Bị vợ mỉa mai, chồng đi kiện với Bao Công, Bao Công hỏi: - "Việc chôn tiền đã nói với ai chưa?". Hắn đáp chỉ nói với vợ. Quan sai đòi vợ đến tra khảo. Vợ không nhận. Chồng thấy vợ bị tra khảo lấy làm thương, xin quan tha, nói là mình không cần số tiền đó nữa. Bao Công lại thả vợ giam chồng, cho là tội đùa với quan trên.
Tối hôm ấy, tình nhân vợ lẻn đến nhà nói cho biết là số tiền ấy đã vào tay mình. Hắn vừa trao tiền cho nhân tình thì liền bị sai nha do Bao Công phái đến rình sẵn, tóm cổ.
Người Khơ-me (Khmer) có truyện Vua Dao trong đó có mtoj chi tiết giống với truyện trên.
Một anh chàng có số làm vua hai nước. Lúc trẻ được một nhà sư dạy cho câu châm ngôn: "Tìm của chớ ngủ, nằm với vợ chớ nói". Anh đi nhờ thuyền buôn ra nước ngoài định nhờ vả ông anh làm quan to ở đấy, nhưng ông anh chỉ cho có mỗi một vuông vải. Lúc trở về nhà ngồi thuyền, trùm vuông vải lên đầu, nhờ đó (và nhờ không ngủ theo câu châm ngôn), anh đã tóm lấy râu con quỷ Yắk buộc nó phải cho dây, gậy và nồi thần. Bị thuyền trưởng gạt anh lên đảo rồi cho thuyền chạy để chiếm các vật quý, anh lại dùng mẹo chiếm được viên ngọc có phép "đi trên biển như đi trên đất liền" của một con lợn thần, nhờ đó, anh đuổi kịp thuyền buôn, sau đó anh lấy lại các đồ vật đã mất, rồi vượt biển một mình về đến nhà. Đến đây truyện bắt đầu giống với truyện Kiện ngành đa.
Trước khi gõ cửa cho vợ mở, anh chôn mọi vật quý dưới chân cầu thang. Vợ đang hú hý với nhân tình, nghe tiếng chồng gọi, vội giấu nhân tình vào một nơi, rồi đón chồng vào. Lúc lên giường, vợ hỏi tình hình nước ngoài ra sao, anh nhớ câu châm ngôn không đáp. Nhưng do vợ nỉ non mãi, anh buột miệng kể hết cho nghe, kể cả chỗ giấu vật quý. Anh nhân tình nghe được liền đào lấy mang đi.
Sáng dậy, thấy mất vật quý, anh chàng vật vã kêu trời rồi đóng gông cái thang lên kiện quan. Quan không xử, anh lại đưa tới kiện vua. Ở đây cách tra xét của vua khá đặc biệt. Vua bảo anh về, cho anh một cái áo choàng đẹp, bảo lúc nào vua mở hội thì trao cho vợ mặc đi dự, còn bản thân thì đừng đi. Đến hôm nhà vua mở hội, vợ thấy chồng ốm thì mang áo ấy cho nhân tình mặc để cùng mình đi dự hội. Người của vua phái đi tìm người mặc áo choàng đẹp, nhận ra được ngay và bắt cả cặp giải về. Họ thú nhận tất cả. Vua giao cho anh chàng phân xử, anh chỉ xin vua bắt hai người lấy nhau.
Đoạn sau, anh biếu vua tất cả các vật quý mà chỉ đổi lấy một con dao sắc. Anh bỏ nước đi đến một nước khác làm con nuôi một đại thần. Và nhờ câu châm ngôn trên, một đêm nọ, anh thức đêm canh gác cho nhà vua chu đáo (trước đó những ông quan khác đi canh đều ngủ quên và bị vua xử chém) được vua khâm phục về sự cần mẫn và tài năng, gả công chúa cho, rồi cho thay vua trị vì. Trở về nước, anh lại được ông vua cũ trọng đãi vì phục tài và gả cho công chúa, rồi nhường luôn ngai vàng.
Cuối cùng, anh không quên đi gọi người anh mình về và cho làm quan.[3]
Đồng bào Tày có truyện Bút Bời cũng là một dị bản của Kiện ngành đa nhưng hình tượng xây dựng khác hẳn:
Có hai người bạn, một khôn ngoan, một dại dột, đều nghèo đói không con, một hôm rủ nhau đi tìm Bút Bời (Ngọc Hoàng) để xin cho được con có của nên. Mỗi người quảy một gánh gạo, chàng Khôn đi trước Dại đi sau. Khi ngủ ở rừng có ma hiện ra quấy nhiễu, chàng Khôn bảo bạn hãy nín thở, tay trái cầm một nắm đất để lên đầu và cầu Bút Bời phù hộ. Ma liền chạy mất. Đi đã nhiều ngày mà không gặp Bút Bời, chàng Dại toan về nhưng được bạn khuyến khích lại đi. Đêm tới, hai người nằm mộng thấy có người đến khuyên nên trở về vì đường còn rất xa. Sáng dậy, họ gặp một người (tức Bút Bời cải trang) hỏi họ muốn gì? - "Xin đẻ con trai". - "Được, muốn gì nữa?". Chàng Dại xin một gánh bạc, chàng Khôn xin một gánh ba phần bạc một phần vàng. Bút Bời đều hứa cho, chỉ dặn ba điều nên nhớ: 1) Khi lội sông chớ lội thẳng. 2) Thấy cầu chớ luồn phía dưới. 3) Về đến nhà trước ba ngày chớ trèo lên thang.
Lúc về chàng Dại đi trước chàng Khôn. Qua sông anh muốn lội thẳng, Khôn can mãi không được bèn bảo hãy đặt gánh ở bờ, cả hai cùng lội thử. Mỗi tội được một quãng bỗng thấy có cây chuối rừng trôi quấn lấy cẳng. Khôn chém một nhát thấy chuối chảy máu, mới hay đó là rồng. Lật đật trở lại quẩy gánh lội men qua sông vô sự. Khi gặp một thân cây ngã chắn ngang đường, Dại không nghe lời can của bạn, luồn xuống phía dưới để qua, bị cây đổ đè lên một bên gánh, đánh mất nửa số bạc. Nửa đêm về đến nhà, anh vẫn không nghe lời dặn, đặt gánh dưới nhà, gọi vợ ầm ĩ bảo đốt đuốc cho mình lên. Không ngờ vợ có nhân tình. Thấy chồng cô ả về, hắn lẻn xuống rình, nhân thấy gánh bạc liền quẩy đi mất. Đến khi anh chàng xuống tìm thì không thấy nữa. Anh ta cho rằng vì mình không nghe lời nên Bụt Bời lấy lại số bạc.
Về phần anh chàng khôn ngoan, anh giấu gánh ở rừng mà về không. Đến nhà nghe có tiếng nói chuyện tỷ tê với vợ mà không phải giọng của mẹ mình, anh đoán là nhân tình của vợ. Anh giận lắm trở về rừng mài dao định đâm chết cả hai. Đêm sau lại về, lại nghe trò chuyện nhỏ to, nhưng nhớ lời dặn của Bút Bời, tuy ghen mà không dám lên. Lại trở về rừng mài dao, định khuya lại vào lúc gà gáy sáng vừa đủ thời hạn ba ngày, sẽ lên giết chết. Về đến nhà, trời bỗng nổi sấm đầu năm. Người Tày vốn có tục nhân nghe tiếng sấm gọi hồn của người đi xa trở về. Khôn nghe tiếng khấn của mẹ, rồi tiếng khấn của mẹ vợ, rồi tiếng của vợ đều gọi hồn mình về. Anh mới biết rõ sự thật. Chờ gà gáy xong, anh trèo lên cầu thang, kể hết mọi chuyện cho gia đình nghe, rồi nói: "Nếu không nghe lời Bút Bời thì có lẽ tôi đã phạm tội giết oan vợ và mẹ vợ". Đoạn, bảo vợ cùng mình đi lấy của giấu ở rừng về.
Chàng Dại đến kể chuyện mất bạc với chàng Khôn. Sau khi trách bạn không nghe lời dặn, chàng Khôn hứa tìm cách lấy lại số bạc đó. Anh bảo bạn phải thật giữ kín, rồi bảo về tìm xem ở sàn nhà có cái lỗ nào vừa một người chui tọt không. Dại về nhà tìm thấy ở chỗ đống củi có một cái lỗ, lại có dấu chân. Khôn lại bảo mang mây đến nhà mình để đan một cái rọ. Đan xong, Khôn bảo bạn về nói với vợ giã cho một gánh gạo để đi xin Bút Bời lần nữa, rồi gánh tới đây.
Vợ chàng Dại tưởng chồng lại đi thật, đêm ấy gọi nhân tình sang, không ngờ Khôn và Dại đi nửa chừng lẻn về buộc rọ vào chỗ có lỗ, đoạn Dại gọi cửa ầm lên. Quả nhiên anh nhân tình chui đầu vào rọ, bị trói lại. Cuối cùng hắn không những trả lại gánh bạc còn giấu ở trong rừng chưa đụng đến, mà còn phải nhắn người nhà mang bạc - cân vừa đủ sức nặng của người hắn đến chuộc tội gian dâm. Chàng Dại tặng chàng Khôn số bạc này để đền ơn.[4]
Người Ả rập (Arabes) có truyện Ngoại tình bị bại lộ:
Vị Kha-lip En Măng-xua thấy có một người mếu máo đến thưa rằng mình đi buôn xa có số tiền giao cho vợ giữ, vợ vừa cho biết bị mất trộm, không tìm ra dấu vết. Hỏi: - "Vợ lấy đã bao lâu?" - "Mới được một năm" - "Có con riêng không?" - "Không" - "Còn trẻ hay già?" - "Trẻ". Kha-lip liền giao cho hắn một lọ nước hoa đặc biệt, bảo: "Đưa cái này về mà giải sầu".
Rồi đó, ông sai bốn người hầu mỗi người đứng gác một cửa thành, dặn ai đi qua nếu ngửi thấy có đúng mùi nước hoa như thế, thì giải đến. Người kia về đưa nước hoa cho vợ bảo: - "Kha-lip cho ta đấy". Vợ bèn ngầm biếu tình nhân. Sau đó anh nhân tình bị bắt. Hỏi: "Nước hoa lấy ở đâu ra" - "Mua" - "Đưa người bán đến đây?". Hắn ta bối rối. Kha-lip bảo cảnh sát: "Hãy giam lại nhưng đừng đánh, bao giờ nó trả đủ số tiền hãy tha, nếu không thì đánh 1.000 roi". Hắn trả đủ tiền, Kha-lip gọi người mất tiền đến phán: "Tiền của ngươi đây, còn vợ thì phú về"[5]
Truyện Con chồn bị giết oan của người Lào khác với truyện trên về mô típ nhưng vẫn có liên hệ về ý nghĩa:
Một người Bà-la-môn mang về cho vợ một con chồn dèn (panpong), vợ nuôi ở nhà, người và vật quen thuộc. Một hôm vợ xuống sông tắm, để con còn bé trên bờ với con chồn. Bỗng một con rắn bò tới toan làm hại đứa bé, nhưng bị chồn vồ chết. Người Bà-la-môn chợt đến, thấy miệng chồn có máu, tưởng nó cắn con, bèn giết ngay. Nhưng khi nhìn kỹ mới hay sự thật. Hối hận, hắn quyết định đi Ba-la-nại (Bénarès) sám hối để lại cho vợ cái khánh (ga-tha) trên có khắc câu: "Chớ hành động thiếu suy nghĩ, nếu không sẽ ăn năn như người Bà-la-môn với con chồn".
Ở làng ấy có một người lái buôn xa nhà để lại người vợ có chửa. Đứa con trai lớn lên cũng làm nghề buôn. Một hôm vợ người Bà-la-môn vì túng tiền nên bán cái khánh cho mẹ con người lái buôn. Đọc câu châm ngôn, họ lấy làm thích thú, người con bèn cho họ khắc câu châm ngôn vào lưỡi gươm mình thường đeo. Người lái buôn lâu năm vắng nhà, một đêm nọ về bất chợt. Vào buồng vợ, thấy một người ngủ bên cạnh cây gươm, gần vợ. Giận quá người ấy cầm gươm toan giết người mà ông ta đinh ninh là tình nhân của vợ. Nhưng đọc được những dòng trên lưỡi gươm, ông bèn dừng tay lại. Giữa lúc ấy, người vợ tỉnh dậy, thấy chồng, vội chỉ đứa con mà ông vừa toan giết: "Con ta đấy". Người lái buôn bèn đưa hậu lễ đến người Bà-la-môn vì đã bán cho mình một câu châm ngôn vô giá.[6]
Phương Tây còn có một câu truyện Ba điều dạy của Xa-lô-mông, hình tượng và ý nghĩa tượng tự với truyện của Lào:
Một người đầy tớ của Xa-lô-mông một hôm xin thôi việc và được chủ trả công là 300 đuy-ca. Từ giã chủ rồi, nhưng anh ta nghĩ rằng có biết bao nhiêu người vẫn thường đến mua lời dạy khôn của chủ, nên cũng muốn xin chủ một điều dạy, bèn trở lại thưa: "Xin ngài cho một điều dạy". Xa-lô-mông đáp: - "Phải trả đủ 100 đuy-ca như mọi người" - "Xin vâng". "Việc làm hôm nay đừng để đến ngày mai, nhớ lấy". Vẫn chưa vừa lòng nên Xa-lô-mông lại thấy hắn ta trả lại xin một điều dạy nữa: "Phải trả đủ 100 đuy-ca" - "Xin vâng" - "Hãy suy xét việc định làm rồi hãy làm, nhớ lấy!". Hắn vừa bước đi thì chủ gọi lại nói: - "Bây giờ con đi thì chắc hết tiền, vậy chờ đây ta cho ít bánh".
Ra về, hắn gặp một người buôn dầu làm bạn đường. Trước mặt họ có hai con đường: cũ và mới. Người buôn dầu bảo: - "Có đi đường mới với tôi không?" - "Không, 100 đuy-ca lời dạy của chủ, tôi cứ theo đường cũ". Hắn bằng lòng với lời dạy vì chả mấy chốc đã thấy người buôn dầu mếu máo quay trở lại vì bị cướiplấy hết cả của cải. Về đến nhà vừa đêm tối, cửa đóng. Nhìn qua lỗ khóa, thấy vợ mình đang ngồi ở bàn ăn với một thầy tu, hắn định rút súng ra bắn chết. Chợt nhớ lời dạy thứ hai của chủ, hắn bèn nuốt giận gõ cửa. - "Ai?" - "Tôi". Vợ nhận ra ngay: - "À, chồng tôi đã về!". Vào nhà hắn hỏi: "Thầy tu kia là ai?" - "Con anh đấy chứ ai: chúng tôi cho nó mặc kiểu thầy tu". Hắn reo: "Ồ, lời dạy quý hóa!". Sắp vào ăn, bỗng nhớ miếng bánh chủ cho, hắn bèn lấy ra cắt, thì trong đó có 300 duy- ca. Hắn lại reo to: "A, chủ lại trả lại tiền cho ta!". Mọi người vui vẻ vào bàn. Vợ hắn nói: - "Hãy gượm, để tôi bảo thợ gặt mai khoan hãy đến, vì là ngày vui của chúng ta". Hắn đáp: "Không, việc làm hôm nay chớ để ngày mai". Gặt xong, bỗng có trận mưa đá, làng xóm mùa màng hư hại nặng, trừ nhà hắn. Hắn ngẫm nghĩ: "Lời dạy của chủ quý vô kể!"[7]
[2] Theo Lê Doãn Vỹ. Sách của trẻ nhỏ (1941), đã dẫn. Nguyễn Văn Ngọc trong Truyện cổ nước Nam, tập I, thì: tiếng đồn cây đa biết nói sắp xưng tên đứa lấy tay nải làm cho tên gian lo lắng sợ tội, bèn đến công đường “tiên năng tự thú”. Cũng theo ông thì truyện Cây đa biết nói ngày xưa trong dân gian đã diễn thành vở chèo.
[3] Theo Mác-ti-ni (Martini) và Béc-na (Bernard). Truyện cổ dân gian Căm-pu-chia chưa hề in và Truyện dân gian Căm-pu-chia.
[4] Theo Đơ-jor-jơ (Degeorge). Truyền thuyết của người Tày ở An-nam, tạp chí Nhân loại, đã dẫn (1921- 1922). Về tình tiết chàng Khôn nhờ nghe lời Bút Bời nên tránh được việc giết oan vợ và mẹ vợ, trong bộ Kinh luật dị tướng có truyện Người mua khôn như sau: Một người nghèo vượt biển kiếm ăn trở về có nhiều của. Anh ta có vẻ đắc chí. Một hôm gặp một người bạn, người bạn bảo: - “Gần đây có một người dạy khôn, khắp thành phố người ta đi mua khôn của ông ta. Dù đắt mà được khôn còn hơn”. Anh ta nghe lời tìm đến. Người dạy bày cho một phép: khi có việc gì đó nghi ngờ hãy tiến lên bảy bước rồi lùi lại bảy bước. Làm ba lần như thế, trí khôn sẽ xuất hiện. Anh ta trả 1.000 đồng vàng. Một hôm anh ta đi xa về khuya. Vào buồng vợ thoáng thấy vợ và một người nữa đang ngủ. Anh ta ngờ vợ nằm với nhân tình, cơn ghen bốc lên rút dao toan giết. Chợt nhớ đến trí khôn mới mua được, lập tức làm theo. Giữa lúc ấy người lạ trên giường vợ đã dậy, hóa ra đó là mẹ vợ. Hắn kêu lên: - “Thật là khôn! Một ngàn đồng vàng là quá rẻ”. Bèn đến nhà người dạy trả thêm 3.000 đồng vàng (Theo Sa-van-nơ (Chavanne). Sách đã dẫn).
[5] Theo Bát- xê (Basset), quyển II, đã dẫn
[6] BEFEO, tập XVII, số 5 (1917)
[7] Theo tạp chí Muy-dê-ông (Le Museum) (1884)