Phú bắt buộc phải nghĩ ra cách để bà Liễu (một người từ Canada) đứng trước căn hộ tầng năm tập thể Mai Động như một sự tình cờ hợp lý. Nhiều kịch bản đã được đưa ra, cuối cùng Phú chọn cách "mua nhà ở Hà Nội". Bà Liễu cho biết chuyện những người xa Tổ quốc khi về già muốn mua một căn nhà để sống ở Việt Nam những ngày cuối đời là phổ biến. Bản thân ông bà cũng đã từng bàn đến chuyện này vài lần. Lần này bà sẽ có một người bạn ở Hà Nội giới thiệu một ngôi nhà đẹp, rẻ, đủ giấy tờ nhưng cần bán rất gấp. Bà không kịp bàn với ông và muốn gây bất ngờ thú vị như một món quà tặng ông. Bà sẽ xem nhà và đặt cọc tiền, sau đó quay về để ông làm nốt phần việc mua bán. Kịch bản này cần thêm một nhân vật là người bạn giới thiệu nhà. Người này ông Phong cũng phải có quen biết. Bà Liễu đáp ứng được điều kiện đó. Nhân vật mới tên là bà Nhu.
Ông Phong đã có lần gọi điện cho bà Nhu (thực tế việc này có thật) bằng "số điện thoại nhà Hạnh". Khi bà Nhu gọi lại cho ông qua số điện thoại đó thì nghe thấy giọng nữ trả lời. Bà Nhu gặp bà Liễu sang Việt Nam mua nhà đã kể lại câu chuyện này. Hai bà hỏi bưu điện địa chỉ số máy này và đến. Khi bà Liễu có mặt, nếu Hạnh là tình nhân của ông Phong thì 90% là Hạnh sẽ bỏ chạy. Bà Nhu khi đó sẽ xuất hiện cùng bà Liễu giữ Hạnh lại bằng biện pháp hòa bình, văn hóa. Nếu không được thì thôi. Trường hợp Hạnh là con gái ông Phong thì 90% Hạnh sẽ ở lại chứng minh điều đó để bố không bị hiểu lầm. Kịch bản được thông qua. Phú, bà Nhu và bà Liễu có mặt trước cầu thang khu tập thể Mai Động lúc 7h 20'. Đây là giờ Hạnh và ông Phong đã ăn sáng tại nhà xong và Hạnh sắp đi làm. Bà Nhu và Phú ngồi ở quán nước. Bà Liễu tiến lên tầng ba lấy điện thoại di động gọi vào số máy cố định của Hạnh, gặp ông Phong. Bà tươi cười: "Em đây, vợ anh đây! Có nhận ra giọng vợ không đấy?". Ông Phong kinh ngạc: "Ô! Sao em biết anh ở đây? Em đang ở đâu vậy?". "Anh thấy em có giỏi không? Em đang ở Việt Nam, đang ở Hà Nội và đang đứng dưới cầu thang nhà anh đây". "Ủa, sao em sang Việt Nam mà không báo cho anh? Có việc gì gấp không em?".
Bà Liễu "hạ nhiệt" để tránh hoảng hốt cho ông nên nói ngay: "Em được Nhu giới thiệu một căn nhà trong phố cổ cực đẹp. Giá rẻ và rất hợp với mình. Họ quyết định bán ngay hôm nay nên em phải sang gấp. Định tặng anh món quà bất ngờ rồi để anh làm giấy tờ mua bán, còn em về trước. Không ngờ vô tình biết anh ở đây. Vậy có cho em lên không? Em lên nhà nhá?". Bà Liễu tỏ thái độ hết sức thoải mái, vui vẻ và không chờ ông Phong trả lời, bà đi thẳng lên nhà. Bà Liễu vào nhà và sững người khi nhìn thấy Hạnh. Hai người trong nhà bối rối, cuống quýt mời bà ngồi. Bà Liễu hỏi chồng: "Ai đây?". Ông Phong nói: " Hạnh! Nó là Hạnh. Con anh!". Quay vào trong ông kêu: "Hạnh, ra chào dì đi con!". Hạnh lễ phép chào bà Liễu và ngồi ghé bên. Bà Liễu cứ đứng như trời trồng nhìn Hạnh và chồng. Ông Phong nói: "Em cứ ngồi xuống đây anh thưa câu chuyện rồi em sẽ hiểu...". Hạnh gọi điện đến cửa hàng xin nghỉ và cả ba cùng trở về câu chuyện 23 năm trước. Năm 1980, ông Phong về Thái Bình, đặt hàng và giám sát sản xuất ở một cơ sở chế biến hàng cói thủ công. Tại đây ông có cảm tình với người phụ nữ ở xưởng vẽ. Hai người đi lại với nhau và đều cùng không đặt vấn đề trách nhiệm, ràng buộc nhau.
Xong hợp đồng với chủ cơ sở, ông Phong cũng chia tay người phụ nữ này và không ai giữ địa chỉ của nhau. Ông Phong về Canada, lấy bà Liễu và cũng chỉ nhớ câu chuyện ở Thái Bình như một trong những kỷ niệm trên tình trường của đời trai phong tình. Năm 1993, khi đang tìm hàng tại Hà Nội, ông gặp lại người chủ cơ sở sản xuất cói mỹ nghệ ở Thái Bình năm xưa. Hai người nối quan hệ làm ăn với nhau. Ông khách nọ mời ông Phong về Thái Bình thăm cơ ngơi sản xuất của mình. Không ngờ ông gặp lại cố nhân ngay tại xưởng vẽ thuở nào. "Tình nhân lại gặp tình nhân", bao nhiêu mừng tủi, nhớ nhung, oán trách... ào ạt dội về. Đôi tình nhân già cũng hiểu rằng từ nay quan san cách trở, ván đã đóng thuyền nên tình xưa nghĩa cũ chỉ cất giữ trong tâm khảm mà thôi. Họ lại chia tay nhau. Ông chủ xưởng cói kể với ông: "Sau ngày ông về nước, chị ta có sinh một đứa con gái không ai nhận làm bố. Chị ấy khổ lắm. Đứa trẻ lên năm thì chị ta lấy một người chồng cũng từng có một đời vợ và con riêng. Cuộc sống bây giờ mới gọi là tạm ổn".
Ông Phong lập tức quay lại xưởng vẽ gặp người tình cũ căn vặn đủ đường. Lúc ấy bà mới nói đó là con gái ông. Những ngày tháng gian truân nhất đã qua, nay bà không muốn đòi hỏi hay trách cứ gì ông. Tuy nhiên bà cũng luôn nói cho con gái biết về người cha cách trở của nó. Học hết cấp II, nó được bà gửi người quen làm thợ may ở Hà Nội dạy nghề cho nó... Ông Phong từ đó hay về Việt Nam hơn. Tuy không gặp lại người yêu cũ nhưng ông luôn theo sát từng bước đi của con gái mình. Về với bà Liễu, ông trằn trọc rất nhiều đêm mà không biết sẽ nói thế nào cho bà hiểu. Nấn ná chần chừ, càng lâu càng khó nói. Cuối cùng ông định đến ngày nhắm mắt sẽ cho bà biết. Không ngờ... Ông Phong đưa cho bà Liễu xem những lá thư mẹ Hạnh viết cho con giới thiệu ông với Hạnh, những tấm ảnh ông chụp chung với con gái khi bố con mới nhận nhau... Những giọt nước mắt cảm thông và hạnh phúc đã rửa trôi những ngờ vực, hờn ghen... của họ. Tận 2 giờ chiều hôm đó ba người mới dẫn nhau đi ăn trưa và cùng chuẩn bị kế hoạch đón một lễ Noel đầy phúc Chúa. Thám tử Phú trả tiền ba chiếc bánh mì và hai bao thuốc lá, lặng lẽ chìm vào phố phường của chiều cuối năm ồn ã...
Trước những trớ trêu, oan nghiệt của mỗi số phận mà tạo hóa đặt bày, các thám tử rất dễ mủi lòng. Còn ngày mai, khi dấn thân vào những cuộc cạnh tranh đầy đố kỵ, nhiều cạm bẫy và lọc lừa..., các anh biết mình sẽ phải đối mặt với những điều đáng sợ và hổ thẹn do chính con người bày đặt với nhau... Lưỡi gươm đẫm máu Chuyện tôi sắp kể với bạn là chuyện tên Đức, kẻ chuyên sống bằng nghề cho vay nặng lãi. Hắn có khoảng vài trăm con nợ. Vài người trong số đó vì quá tuyệt vọng, vì không chịu nổi lãi suất kinh hồn của hắn, đã đi đến chỗ tự tử để tự giải thoát khỏi bàn tay đẫm máu của hắn. Số người bị lãi mẹ đẻ lãi con làm tán gia bại sản cũng không ít. Các nạn nhân của hắn nguyền rủa hắn một trăm ngàn lần, hắn vẫn tỉnh bơ và vui cười ngoác cả miệng với họ miền là đừng có bớt số "phân" của hắn. Lạ thay, lời nguyền rủa thứ một trăm ngàn lẻ một đã kết thúc đời hắn một cách hết sức kỳ lạ. Tôi nợ hắn hai triệu đồng, hắn tính tôi một số lời tóe máu, nhưng ác hại hơn cả là hắn lại coi tôi như một bạn thân... Điều này làm tôi bực mình, vì là bạn thân, tôi phải về hùa với hắn để dửng dưng trước những giọt lệ khóc than, những lời van xin của các nạn nhân của hắn.
Sáng hôm đó tôi thấy hắn ngồi ở bàn giấy, trước mặt hắn là một người trẻ tuổi, nước da tái mét, nhưng rất đẹp trai. Người tuổi trẻ đang năn nỉ: "Bác Đức ơi, tôi thật không thể trả nợ bác ngay được, nhưng tôi van bác, xin đừng vội siết nợ. Mẹ tôi đang đau, nếu bà biết bị đuổi khỏi nhà, chắc bà chết mất. Bác làm phước cho tôi gán bức tranh này. Đây là tác phẩm quí giá nhất của tôi và tôi mong sẽ để đời; tôi đã vẽ đi vẽ lại cả trăm lần mà vẫn chưa thật vừa ý, và cũng chưa hoàn tất hẳn. Tôi cảm thấy như vẫn còn thiếu một cái gì đó. Chưa biết rõ là cái gì, nhưng rồi tôi sẽ tìm thấy và sẽ hoàn tất tác phẩm tuyệt vời này. Xin bác tạm nhận tranh này để trừ vào món nợ của tôi". Đức cười gằn. Thấy tôi, hắn gọi tôi vào và chỉ cho xem bức tranh khổ trung bình đang đặt dựa vào tủ sách. Xem tranh tôi phục quá; ít khi tôi gặp một bức tranh đẹp như vậy. Tuy đề tài rất tầm thường: một người tráng sĩ, tay vung một lưỡi gươm, đằng sau là khói lửa từ một kinh thành đang cháy.
Thấy tôi thích, nhà họa sĩ nghèo cho biết anh đã nằm mơ thấy mình là người tráng sĩ trong khói lửa đó từ lâu lắm, bây giờ coi như vẽ gần xong mà anh vẫn chưa quyết định đặt tên cho bức họa... "Ông thiếu tôi "hai cây rưỡi" vàng, ông Trọng Cư", Đức bổng lên tiếng. "Nhưng bức tranh của tôi giá trị có thể gấp đôi!". "Có lẽ, nhưng phải trong cả trăm năm nữa, tôi đâu có sống tới lúc đó!". Tôi chợt nhận thấy ánh mắt hơi có vẻ chịu của Đức. Hắn phán: "Thôi được, tôi thương cậu lắm nên mới tạm nhận và gia hạn cho cậu ba tháng nữa phải trả đủ cho tôi số vốn, số lãi coi như đổi tranh". Trọng Cư nói như muốn khóc: "Bức tranh để đời của tôi mà chỉ được số tiền lãi thôi sao? Nhưng thôi, cũng được vì bây giờ tôi không lựa chọn gì được." Người họa sĩ buồn bã bước ra cửa, Đức còn nói với theo: "Khi trở lại thanh toán, nhớ đặt tên cho bức tranh nhé!" Bức tranh sau đó được treo lên tường ngay sau bàn giấy của Đức. Ba tháng qua mau như gió thoảng. Trọng Cư không kiếm được tiền trả. Chàng cầu khẩn, van xin, hứa hẹn đủ điều nhưng không lay chuyển nổi lòng Đức, tên vua cho vay nặng lãi. Ngày thừa phát lại mang "giấy tống xuất" lại căn nhà của họa sĩ nghèo, viên chức này thấy hai mẹ con nhà họa sĩ nằm chết cong queo trên chiếc võng duy nhất, bên cạnh một nồi chào gà.
Trên bàn có một lá thư gởi cho tên Đức: "Tôi đã hứa đặt tên cho tranh, vậy tên nó là TUỐT GƯƠM TRẢ HẬN". Đức không hài lòng, hắn bảo: "Tên bức tranh này không hay, hơn nữa bây giờ thằng họa sĩ ngỏm rồi, trả hận bằng cách nào?" Hắn không biết rằng hắn vừa thốt lời thách thức quỷ thần! oOo Một buổi sáng lại chơi, tôi thấy Đức có vẻ bồn chồn nóng nảy. - Này, cậu nhìn bức tranh xem có thấy gì lạ không? Thấy tôi trả lời "Không" hắn có vẻ hài lòng và giơ tay vuốt trán, tôi chợt thấy trán hắn ướt đẫm mồ hôi. - Tôi thật là hay tưởng tượng, cậu có biết không, tôi hôm qua tôi khó ngủ quá nên thức dậy đi ra văn phòng. Đêm qua sáng trăng, căn phòng được chiếu sáng, cậu biết tôi thấy cái gì không? Tôi bổng thấy như tay tráng sĩ trong tranh động đậy, động đậy... rồi khiếp quá, tôi có cảm tưởng như hắn thò tay ra muốn nắm lấy cổ tôi... Tôi bảo: "Anh khùng quá, làm gì có chuyện kỳ quái đó! Nếu thấy không thích thì lấy dao rạch quách bức tranh là xong!" - Xong sao được, ai đền tôi "hai cây rưỡi" vàng đây, rồi còn bao nhiêu là phần trăm lời nữa!
Ba ngày sau, tên Đức mà tôi gặp không còn là tên Đức quen thuộc với nụ cười ngoác tận mang tai. Hắn già đi ít ra vài chục tuổi. Hắn run rẩy nhìn tôi bằng đôi mắt lạc thần: "Trời ơi, quỷ quá ông ạ. Đêm qua thằng tráng sĩ bước ra hẳn khỏi tranh để chực chém tôi, nhìn xem kìa, nhìn xem kìa thanh gươm bây giờ NẰM NGANG trong khi lúc trước nó được giơ lên! Nhìn xem! Ghê rợn quá!" Tôi thấy lạnh xương sống. Mình cũng điên như hắn chăng? Thật phi lý, nhưng sao thanh gươm bây giờ đây lại NẰM NGANG trong tay người tráng sĩ thật! Tôi thúc Đức đem rạch nát ngay bức tranh, nhưng óc biển lận của hắn đã thắng cả sự sợ hãi. Hắn không tin tranh có thể hại hắn thật. ... Đức đã chết. Người ta tìm thấy thi thể hắn ngồi chết ở trên ghết, cổ bị đứt gần lìa khỏi người; lưỡi gươm chém vạt cả vào thành ghế. Tôi sợ hãi liếc mắt nhìn lên tấm tranh: lưỡi kiếm vấy máu tới gần cán.
Liên hệ ADMIN