|
Thánh kinh Cựu ước chép rằng trong Lạc viên có một cây Táo, nếu ai ăn quả sẽ thông minh và biết phân biệt thiện ác. Thượng đế dặn A Đam và E Và có thể ăn tất cả các thứ trái khác, chỉ trừ Táo là không được động đến, ăn vào sẽ chết. Vì thế nên trái ấy được gọi là Trái Cấm. E Và rất thèm Táo nhưng không dám ăn vụng nên rất khổ tâm. Về sau có một con rắn nói cho E Và biết rõ sự bí mật của Trái Cấm và xúi dục nàng làm theo ý muốn, E Và không dằn được sự cám dỗ của rắn bèn hái quả ăn và cho chồng ăn. Thượng đế thấy hai người phạm tội bèn tức giận đuổi ra khỏi Lạc viên.
|
Ban đầu A Đam và E Và thấy mình được tự do không còn bị giữ gìn cấm đoán nữa thì rất sung sướng vui mừng. Nhưng chỉ mấy hôm sau chàng mới biết tự do ấy phải trả bằng một giá rất đắt. Những sự cung cấp sẵn sàng và đầy đủ ở Lạc viên không còn nữa. Hai người phải tự lo liệu tất cả, nào là lo ăn, lo mặc, lo đói, lo rét, lo bệnh, lo chết đủ thứ.
Đã thế E Và lại còn đổi tính, vì sau khi ăn Trái Cấm nàng khôn ranh hơn nhiều. Lại thêm sinh ra cái tính vui, buồn, mừng, giận, thương, ghét, nũng nịu, hờn dỗi, gắt gỏng mà trước kia không hề có làm cho A Đam bực mình vô cùng. Chàng lại còn khổ tâm hơn nữa vì chưa quen làm việc khó nhọc, nên không thể cung cấp đủ mọi thứ cần dùng cho E Và làm nàng khóc lên khóc xuống hoài. Thượng đế vốn rất từ bi ngài thương hại đứa con tội lỗi bèn tìm cách giúp chàng.
Một hôm hai người đang ngồi bên cạnh bờ bể rầu rĩ vì suốt ngày chưa có gì ăn, bụng đói gần muốn đi không nổi. Thượng đế bỗng hiện ra trước mặt A Đam mà ngài cho là tội nhẹ hơn E Và . Ngài phán bảo:
- “ A Đam, ta sợ con chưa đủ trí khôn để đối phó với mọi sự bất ngờ trên đời và nhất là kiếm ăn vất vả nên ta cho con gậy phép này. Lúc con cầm gậy đánh xuống nước sẽ có một giống động vật có ích cho con nổi lên mặt nước. Nhưng con phải cẩn thận cấm không cho E Và cầm gậy, nếu không sẽ sinh ra tai họa đời đời.”
Nói xong Thượng đế trao Gậy phép cho A Đam rồi biến mất.
E Và nghe câu nói cuối cùng rất khó chịu, nhưng vốn tính tò mò, nàng tạm gác cục giận lại không làm tình làm tội A Đam vội, để bào chàng đập gậy xuống nước xem có giống gì ăn được hiện ra không.
Nàng dục rối rít:
- A Đam mau đập gậy xuống nước đi, em đói gần chết đến nơi rồi đây!
A Đam nghe lời vợ lấy gậy phép đập xuống nước. Một con dê mẹ dắt theo đàn dê con nổi lên mặt nước, từ từ bơi vào bờ. Nhờ thế vấn đề y phục và lương thực đồng thời giải quyết. Da dê có thể làm áo, sữa dê làm bơ và phó mát hay uống tươi, lại còn có thịt dê non thơm ngon béo bổ nữa.
E Và vui mừng quá quên cả lời Thượng đế dặn, cũng muốn đập gậy phép, vì nàng tin là mình đập khéo hơn chồng nhiều. Ban đầu A Đam không cho, nhưng vốn tính sợ vợ quen thân mất nết rồi, chàng nghĩ thầm:” Thôi thà có lỗi với Thượng đế còn hơn là để vợ giận”. Chàng bèn đưa gậy cho E Và nhưng giao hẹn chỉ cho đập thử một cái thôi.
E Và cầm lấy gậy vừa đánh nhẹ xuống nước thì một con chó sói hiện ra ngaỵ Nó vừa trông thấy đàn dê liền xông đến cắn đầu con dê mẹ tha vào rừng.
A Đam trách vợ:
- Em xem, tại em bướng bỉnh làm chúng ta bị mất con dê mẹ rồi, bây giờ biết làm thế nào?
A Đam vừa nói vừa giật lấy gậy, bực tức đánh xuống đất. Chàng đứng cạnh bờ nên đầu gậy bị chạm vào mặt nước và dưới nước bỗng nổi lên một con vật cũng giống như con chó sói vừa rồi. E Và trông thấy vỗ tay cười chế nhạo :
- Còn gắt nữa thôi! Anh đánh cũng chả hơn gì, cho nó ăn nốt cả đàn dê con đi!
Nhưng E Và đã lầm. Đấy là một con chó. Chó đến cạnh A Đam vẫy đuôi chào mừng xong chạy vào rừng cắn nhau với chó sói cướp lại con dê mẹ đem về. Đã có sự thực chứng minh E Và không thể dùng gậy phép được nên nàng không còn chối cãi vào đâu, đành phải để cho A Đam dùng gậy một mình.
A Đam cất dấu gậy rất cẩn thận và lúc dùng cũng không để cho E Và trông thấy vì chàng biết tính vợ hay tủi thân và cũng là người không biết phục thiện. Lần lần A Đam dùng gậy phép đem tất cả các giống động vật có ích cho loài người như trâu,
bò, heo, gà, vịt v. v. . lên bờ làm cho cuộc sống của hai người càng ngày càng phong phú hơn lên.
E Và xưa nay vẫn có tính tò mò, ương ngạnh và lại còn rất tinh ranh nữa là khác. Nàng chỉ làm bộ ngoan ngoãn cho A Đam tin, sự thực nàng vẫn để ý rình và biết chỗ A Đam dấu gậy phép.
Một hôm, nàng chờ lúc A Đam bận vào rừng hái quả bèn đánh cắp gậy phép đi ra bờ biển một mình. Nàng chỉ nghịch nước một lát đã đem lên bờ tất cả các giống vật khác như sài lang, hổ, báo, sư tử v. v. .Cố nhiên là nàng giấu không cho chồng biết công trình “ vĩ đại “ của mình.
Một hôm E Và lại lén lấy gậy phép định đi nghịch nước nữa thì bị A Đam bắt gặp. Chàng dành lại gậy, nhưng cả hai bên cùng dùng sức mạnh bằng nhau, không ai thua ai nên hóa ra cả hai cùng cầm gậy đánh xuống nước một lúc.
Mèo bèn hiện ra. Đó là “ tác phẩm” chung của hai người nên mèo vừa rất dễ thương hiền lành và đồng thời cũng có thể rất dễ ghét, tai ác tùy theo thái độ của người ta đối với nó mà thay đổi.
A Đam nhắc lại lời Thượng đế dặn, khuyên E Và không nên cầm gậy phép. E Và tức giận và xấu hổ nên bẻ gãy gậy ném xuống bể. Mặt bể bỗng sôi lên và từ đằng xa trôi vào một con vật có bộ lông rất mướt và tuyệt đẹp. E Và trông thấy bèn chạy đến định bắt nó để lột da làm áo khoác, nhưng lúc nàng vừa đến gần thì chồn cười nhạt một cách rất nghịch ngợm , khiêu khích rồi chạy biến vào rừng.
Gậy phép đã gảy chìm xuống bể mất rồi nhưng con chồn thủy tổ ra đời. Ngay lúc vừa đặt chân lên bờ nó bắt đầu trêu ghẹo E Và làm cho nàng thèm thuồng bộ áo lông rất đẹp mà không thể bắt được nó.
Sau khi vào rừng chồn sinh con đẻ cái đầy đàn, và con cháu nó bao giờ cũng giữ được đức tính đặc biệt của loài chồn là tinh quái vô cùng.
Sau đây là lịch sử của một con chồn tinh quái, con chồn này bên ngoài có một dáng điệu rất thanh nhã, quý phái, có học thức, đạo đức, nhưng sự thực trái hẳn, nó xảo quyệt và độc ác vô cùng. Nghệ thuật lừa dối của nó rất cao siêu lại thêm miệng lưỡi hoạt bát nên đã đánh lừa tất cả các giống động vật trong rừng, đồng thời trốn tránh được sự trừng phạt. Hơn nữa, lại còn lừa được cả vua Sư Tử, Vương Phi và tất cả “ quý tộc “ trong Triều đình mãnh thú.
Cuốn truyện này chép lại những mưu kế xảo quyệt nghịch ngợm, gian trá của con chồn tinh quái. Tuy cũng có lúc thất bại nhưng sau đó nó có cách làm cho kẻ thù thiệt hại gấp bội. Những tài liệu này rút trong bộ truyện “ Lịch sử rừng xanh” đời vua Sư Tử đệ nhất, thời mà người và vật còn trò chuyện được với nhau.